Theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), 10 tháng năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu (XK) 123.000 tấn hồ tiêu, đạt kim ngạch 817 triệu USD, tăng 19,7% về lượng và 17,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. VPA dự kiến hết năm 2013, XK hồ tiêu sẽ đạt 125.000 tấn, kim ngạch đạt 850 triệu USD. Tăng trưởng xuất khẩu Báo cáo của VPA ghi nhận, giai đoạn 2011-2013, ngành hồ tiêu liên tục tăng trưởng XK, từ sản lượng 118.416 tấn năm 2011 tăng lên mức 125.000 tấn năm 2013, chiếm 50% sản lượng tiêu XK của toàn thế giới, kim ngạch ước đạt 850 triệu USD. Tiêu Việt Nam hiện được XK đến hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ với giá trung bình tiêu đen là 6.471 USD/tấn, tiêu trắng 8.911 USD/tấn. Cả nước hiện có 13 nhà máy chế biến hồ tiêu đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, tổng công suất trên 60.000 tấn/ năm, chủng loại bao bì đóng gói đa dạng, thỏa mãn nhu cầu của các thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Trong 10 tháng năm 2013, Hoa Kỳ và Đức vẫn là hai thị trường lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam, chiếm khoảng 31,4% thị phần. Hai thị trường này có mức tăng trưởng mạnh với mức tăng lần lượt là 80,9% và 11,6% về khối lượng; tăng 77,1% và 8,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch VPA cho biết, ngành tiêu Việt Nam hiện giữ vai trò điều tiết lưu thông, bình ổn giá cả cho toàn thế giới, thu nhập và lợi nhuận chủ yếu thuộc về người trồng tiêu, doanh nghiệp kinh doanh XK có hiệu quả. Dự báo năm 2014 tình hình sản xuất XK hồ tiêu tiếp tục ổn định về giá cả với sản lượng 130.000 tấn và kim ngạch 900 triệu USD. Tăng năng suất và đầu tư chế biến sâu Trong nhiều mặt hàng nông sản chủ lực, hồ tiêu chưa lọt vào nhóm hàng có kim ngạch XK đạt 1 tỷ USD/năm, vì thế, để XK bền vững rất cần nâng cao chất lượng nguyên liệu và gia tăng giá trị sản phẩm. Mặc dù, diện tích trồng tiêu những năm qua được mở rộng nhưng sản lượng cũng như chất lượng lại không tăng tương ứng, thậm chí có năm giảm. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 2011, cả nước có 53.000ha trồng tiêu, đạt sản lượng 125.000 tấn; năm 2012 đạt 57.500ha, sản lượng chỉ đạt 115.000 tấn. Nguyên nhân là do phần lớn diện tích trồng tiêu lại tập trung ở các vùng đất không phù hợp, không đủ điều kiện ứng phó thiên tai, dịch bệnh, khó ứng dụng khoa học kỹ thuật. Phần lớn nông dân canh tác theo tập quán, chưa được trang bị kiến thức cần thiết cho sản xuất theo hướng hữu cơ khiến cho khó lường những nguy cơ tiềm tàng về dịch hại, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, thị trường nhập khẩu được dự báo sẽ đòi hỏi chất lượng ngày càng khắt khe hơn. Vì thế, mở rộng vùng nguyên liệu nhưng đảm bảo chất lượng giống cây chính là yếu tố đảm bảo cho xuất khẩu bền vững của hạt tiêu Việt Nam. Bên cạnh đó, phần lớn hạt tiêu XK của Việt Nam mới chỉ ở dạng xuất thô nên giá trị không cao, đặc biệt các DN thường XK tiêu đen có giá trị thấp hơn rất nhiều so với tiêu trắng. Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch VPA cho rằng, giá trị XK tiêu sẽ tăng thêm rất nhiều nếu các DN đầu tư chế biến sâu. Ngoài ra, các DN cần gia tăng sản xuất tiêu theo tiêu chuẩn của Mỹ (ASTA) bởi loại tiêu này có giá trị cao và rất được các thị trường lớn ưa chuộng. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Giám định và chứng nhận hàng hóa Việt Nam cho biết, hiện nay trên thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung và hồ tiêu nói riêng đã hình thành xu hướng tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đó là chứng nhận đối với sản phẩm có quá trình canh tác thân thiện với môi trường, đảm bảo lợi ích kinh tế và phát triển bền vững. Do đó, cần cấp thiết tổ chức chương trình khảo sát đánh giá toàn diện việc sử dụng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên mẫu tiêu Việt Nam nhằm cải tiến kịp thời và củng cố uy tín hồ tiêu Việt Nam. Đồng thời khuyến cáo nông dân hạn chế mở rộng diện tích ở những nơi có điều kiện tự nhiên không phù hợp; cần thiết chuyển từ phát triển về số lượng sang chất lượng, sản xuất theo quy trình GAP, xu hướng hữu cơ bền vững. Một số mô hình sản xuất hồ tiêu theo GAP ở Gia Lai, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đáp ứng tốt nhu cầu về chất lượng hạt tiêu đen XK, không sâu mọt, nấm mốc và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dưới ngưỡng quy định. Những mô hình này cần được nhanh chóng nhân rộng. Cạnh đó cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, xuất xứ địa lý, sớm đưa vào thực hiện từ sản xuất đến XK tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ thương mại và hội nhập quốc tế./.
Duy Anh |
Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013
Tăng trưởng xuất khẩu hồ tiêu bền vững: Đầu tư chế biến sâu
Phát triển nhóm hộ sản xuất hồ tiêu bền vững
VINAGRI News - Nhóm, hộ sản xuất thuộc Dự án “Phát triển sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu bền vững”, được thực hiện tại 2 huyện Lộc Ninh và Bù Đốp, thông qua các nhóm hộ gia đình trồng tiêu, từ nay đến năm 2015.
Thông tin từ Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước, đơn vị này vừa cùng Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) và Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam triển khai Dự án “Phát triển sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu bền vững”.
Dự án được thực hiện tại 2 huyện Lộc Ninh và Bù Đốp, thông qua các nhóm hộ gia đình trồng tiêu, từ nay đến năm 2015.
Cụ thể, các nông hộ tham gia dự án được tập huấn để áp dụng 10 nguyên tắc tiêu chuẩn canh tác tiêu bền vững của Tổ chức Rainforest Alliance (R.A), như: Hệ thống quản lý môi trường và xã hội; bảo tồn hệ sinh thái; nguồn nước; đối xử công bằng và điều kiện làm việc tốt cho người lao động; quản lý mùa vụ tổng hợp...
Tiêu Việt Nam được nhiều thị trường thế giới ưa chuộng.
Đặc biệt, dự án chỉ cấp chứng chỉ cho các nhóm hộ trồng tiêu, do đó các nông hộ phải tham gia sản xuất, sinh hoạt theo kiểu nhóm hộ. Nếu 1 nông hộ bất kỳ trong 1 nhóm hộ bị phát hiện canh tác tiêu không đạt 10 nguyên tắc tiêu trên thì cả nhóm hộ không được cấp giấy chứng nhận R.A.
Về vấn đề này, một đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Phước cho rằng, xưa nay, nông dân trồng tiêu hoàn toàn theo kiểu canh tác hộ gia đình, ít có sự giao lưu, chia sẻ nhiều giữa cộng đồng. Do đó, dự án sẽ là bước giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, đồng thời quan tâm nhiều hơn tới môi trường xã hội cũng như môi trường tự nhiên xung quanh vùng trồng.
Ông Phan Văn Đon - Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, dự án mong đợi đến năm 2015, có thể tập huấn và chứng nhận cho khoảng 700 hộ sản xuất tiêu ở 2 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp. Toàn bộ sản lượng tiêu đạt chứng chỉ R.A, khoảng 1.000 tấn tiêu/năm, sẽ được công ty Nedspice Việt Nam thu mua để chế biến, xuất khẩu.
Thuận Hải/ Báo NTNN
HUYỆN BUÔN ĐÔN: DIỆN TÍCH HỒ TIÊU VÀ CA CAO TĂNG MẠNH
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Buôn Đôn, đến nay toàn huyện có trên 671 ha tiêu, tăng hơn 131 ha so với cùng kỳ năm 2012.
Những trụ tiêu mới được hạ xuống ở thôn Ea Duất, xã Ea Wer, Buôn Đôn. |
Nguyên nhân chính khiến diện tích tiêu tăng nhanh là do trong vài năm trở lại đây, giá tiêu trên thị trường tăng cao và tương đối ổn định nên nhiều hộ dân đã phá bỏ các loại cây trồng kém hiệu quả hoặc đất nương rẫy trồng màu để trồng hồ tiêu. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng của huyện Buôn Đôn đã vận động người dân phát triển cây hồ tiêu theo đúng quy hoạch, không nên phá bỏ các loại cây trồng như cà phê và điều để trồng tiêu một cách ồ ạt mà nên phát triển theo hướng đa cây, đa con; vận động bà con sử dụng các trụ tiêu sống để tránh việc phá rừng làm trụ tiêu; khuyến cáo bà con không nên trồng hồ tiêu ở những vùng đất không thích hợp, nhất là các vùng đất trũng, dễ bị ngập nước, thoát nước kém làm cho vườn tiêu dễ nhiễm bệnh. Các cơ quan chuyên môn cũng hướng dẫn bà con sử dụng các giống tiêu bảo đảm chất lượng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật để tránh các bệnh thường gặp ở cây tiêu.
Ngoài hồ tiêu, trong năm 2013, diện tích cây ca cao trên địa bàn huyện Buôn Đôn cũng tăng mạnh. Hiện nay, Buôn Đôn có gần 200 ha cây ca cao, tăng gần 70 ha so với cùng kỳ năm 2012.
Quốc An
Giá hồ tiêu tăng kỷ lục
Trong những ngày qua, giá hồ tiêu trên thị trường liên tục tăng cao ở mức kỷ lục trên 160.000 đồng/kg. Dù giá tăng cao nhưng tiêu trong dân không còn nhiều. Theo dự báo, giá hồ tiêu sẽ còn tiếp tục tăng ở mức cao trong thời gian tới.
Ảnh: Nguyễn Diệp
Những ngày qua, nông dân trong tỉnh rất phấn khởi khi giá hồ tiêu trên thị trường tăng lên từng ngày: từ mức 143.000 đồng/kg lên 160.000 đồng/kg và cao hơn nữa. Nếu hạt tiêu đảm bảo 3 tiêu chí về ẩm độ, tạp chất và dung trọng, giá mua sẽ đạt mức 175.000-180.000 đồng/kg. Tuy vậy theo Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, lượng hồ tiêu trong dân và các đại lý lớn trên địa bàn huyện gần như đã bán hết từ lúc giá tiêu ở mức 130.000-140.000 đồng/kg.
Bà Trần Ngô Thị Anh, ở thị trấn Chư Sê, bộc bạch: “Cách đây một tháng, gia đình vừa bán hết 7 tấn tiêu với mức giá 143.000 đồng/kg. Nếu để đến thời điểm này thì giá tiêu sẽ ở mức 175.000 đồng/kg. Chẳng ai nghĩ giá tăng cao đột biến như thế này. Tuy nhiên, với mức giá đã bán gia đình cũng hài lòng vì đã có lợi nhuận rồi”.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, nguyên nhân giá tiêu tăng cao đột biến trong những ngày qua là do sản lượng hồ tiêu trong năm 2013 của cả nước đạt thấp. Riêng huyện Chư Sê năng suất vụ vừa qua chỉ đạt 37,7 tạ/ ha, tổng sản lượng hồ tiêu trong năm 2013 chỉ đạt 7.581 tấn giảm gần 30% so với sản lượng năm 2012.
Bà Trần Ngô Thị Anh, ở thị trấn Chư Sê, bộc bạch: “Cách đây một tháng, gia đình vừa bán hết 7 tấn tiêu với mức giá 143.000 đồng/kg. Nếu để đến thời điểm này thì giá tiêu sẽ ở mức 175.000 đồng/kg. Chẳng ai nghĩ giá tăng cao đột biến như thế này. Tuy nhiên, với mức giá đã bán gia đình cũng hài lòng vì đã có lợi nhuận rồi”.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, nguyên nhân giá tiêu tăng cao đột biến trong những ngày qua là do sản lượng hồ tiêu trong năm 2013 của cả nước đạt thấp. Riêng huyện Chư Sê năng suất vụ vừa qua chỉ đạt 37,7 tạ/ ha, tổng sản lượng hồ tiêu trong năm 2013 chỉ đạt 7.581 tấn giảm gần 30% so với sản lượng năm 2012.
Thuốc và cách phòng trị bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu - Những vườn chưa bị bệnh: Phun và tưới gốc 2 lần cách nhau từ 7 ngày đến 10 ngày bằng 2 loại thuốc có hoạt chất khác nhau, như lần đầu dùng Aliette thì lần sau dùng Eddy… - Những vườn đã có tiêu bị bệnh chết nhanh: Phun và tưới gốc 3-4 lần cách nhau từ 5 ngày đến 7 ngày bằng các loại thuốc có hoạt chất khác nhau, ví dụ lần 1 dùng Aliette thì lần 2 dùng Alphamil lần 3 dùng Treppach-Bul... - Pha thuốc theo hướng dẫn trên bao bì của từng loại thuốc. - Chỉ mua và sử dụng những loại thuốc có ghi rõ đặc trị bệnh chết nhanh cho nhiều loại cây trong đó có cây tiêu như: Aliette; Eddy; Alphamil; Treppach-Bul; Mexyz; Alpine. (Nguồn: Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê) |
Trước việc giá tiêu liên tiếp tăng cao, trong khi giá các loại cây trồng khác như cà phê, cao su xuống thấp khiến nông dân các địa phương bắt đầu đổ xô trồng tiêu. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy rất nguy hiểm. Trong thời gian qua, toàn tỉnh đã trồng mới được trên 1.000 ha tiêu, nâng tổng diện tích tiêu trên địa bàn lên đến 8.600 ha. Hiện tại, nhiều nông dân như ngồi trên đống lửa trước tình trạng tiêu chết vì bệnh chết nhanh chết chậm. Thống kê sơ bộ của UBND huyện Chư Sê, toàn huyện đã có 74 ha tiêu bị bệnh.
Ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết: “Giá hồ tiêu tăng là điều rất mừng. Tuy nhiên, điều này cũng cảnh báo nhiều hệ lụy rất nguy hiểm như: phá vỡ quy hoạch cây trồng khác, hoặc những người có tiêu đang trong giai đoạn kinh doanh sẽ chăm sóc vượt mức yêu cầu dinh dưỡng bình thường. Vì vậy dễ dẫn đến việc lạm dụng phân bón hóa học dẫn đến cây tiêu dễ bị nhiễm sâu bệnh gây hại làm ảnh hưởng đến cây tiêu. Trước tình hình đó, Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cũng đã cảnh báo người dân nếu trồng tiêu nên chọn phương thức bền vững, chi phí đầu tư thấp. Đặc biệt, chỉ trồng bằng nguồn vốn tự có của gia đình, không nên đi vay vì cây tiêu có tính rủi ro rất cao so với các loại cây trồng khác và chọn đất kỹ trước khi trồng…”.
Hồ tiêu là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhưng tính rủi ro cũng rất lớn. Việc giá tiêu tăng cao như hiện nay là một tín hiệu đáng mừng nhưng cũng tiềm ẩn những nỗi lo trong thời gian tới nếu người dân tiếp tục chạy đua mở rộng về diện tích
Ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết: “Giá hồ tiêu tăng là điều rất mừng. Tuy nhiên, điều này cũng cảnh báo nhiều hệ lụy rất nguy hiểm như: phá vỡ quy hoạch cây trồng khác, hoặc những người có tiêu đang trong giai đoạn kinh doanh sẽ chăm sóc vượt mức yêu cầu dinh dưỡng bình thường. Vì vậy dễ dẫn đến việc lạm dụng phân bón hóa học dẫn đến cây tiêu dễ bị nhiễm sâu bệnh gây hại làm ảnh hưởng đến cây tiêu. Trước tình hình đó, Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cũng đã cảnh báo người dân nếu trồng tiêu nên chọn phương thức bền vững, chi phí đầu tư thấp. Đặc biệt, chỉ trồng bằng nguồn vốn tự có của gia đình, không nên đi vay vì cây tiêu có tính rủi ro rất cao so với các loại cây trồng khác và chọn đất kỹ trước khi trồng…”.
Hồ tiêu là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhưng tính rủi ro cũng rất lớn. Việc giá tiêu tăng cao như hiện nay là một tín hiệu đáng mừng nhưng cũng tiềm ẩn những nỗi lo trong thời gian tới nếu người dân tiếp tục chạy đua mở rộng về diện tích
Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013
Xuất khẩu hồ tiêu có thể đạt 900 triệu USD năm 2014
VINAGRI News - Theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2013 xuất khẩu hồ tiêucủa cả nước đạt từ 125.000 đến 130.000 tấn, kim ngạch khoảng 850 triệu USD và năm 2014 có thể đạt kim ngạch 900 triệu USD.
Vườn hồ tiêu. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Tại hội nghị Phát triển hồ tiêu bền vững 2013 tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 18/10, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA cho biết tính đến hết tháng Chín, cả nước đã xuất khẩu 113.962 tấn hồ tiêu, đạt giá trị 755 triệu USD.
Với lượng hàng đã xuất khẩu này, dự kiến tồn kho cuối năm sẽ hạn hẹp, trong khi sản lượng niên vụ 2014 dự báo không tăng nhiều.
Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường vẫn sẽ ổn định và có thể tăng nên giá tiêu duy trì ở mức đến hết 2013 và ổn định trong 2014.
Tuy nhiên, cảnh báo từ các tổ chức nghiên cứu về nông sản thế giới cho thấy, từ năm 2015 trở đi, sản lượng hồ tiêu thế giới có thể gia tăng, do đó giá cả có thể biến động theo chiều hướng giảm.
Cùng với đó, thị trường nhập khẩu sẽ đòi hỏi chất lượng hàng ngày càng khắt khe hơn.
Từ những dự báo này, VPA cho rằng các cơ quan chuyên ngành và chính quyền các địa phương trồng tiêu cần thống kê lại diện tích thực tế, vì thời gian qua diện tích hồ tiêu trồng mới ngoài quy hoạch phát triển khá nhanh trên những vùng đất không phù hợp.
Đồng thời, VPA cũng cho rằng cơ quan chuyên ngành cần nắm rõ hiện trạng sản xuất điều chỉnh quy hoạch để có chính sách, giải pháp thích hợp cho sản xuất và thương mại.
Đặc biệt, VPA khuyến cáo nông dân hạn chế mở rộng diện tích nơi điều kiện tự nhiên không phù hợp, chuyển từ phát triển về số lượng sang chất lượng, sản xuất theo quy trình sản xuất tốt, xu hướng hữu cơ bền vững.
VPA cũng khuyến cáo nông dân, doanh nghiệp cần chọn thời điểm mua bán, xuất khẩu có hiệu quả nhất; duy trì giải pháp bình ổn thị trường, chủ động điều tiết lưu thông giá cả trong nước và xuất khẩu, hạn chế sự chi phối của các nhà đầu cơ.
Đây là bài học thành công của ngành hồ tiêu, trong đó nông dân và doanh nghiệp đã đồng thuận kiên trì thực hiện trong suốt sáu năm qua.
Đồng thời, để đáp ứng đòi hỏi về chất lượng sản phẩm ngày càng cao của thị trường, cả nông dân và doanh nghiệp chế biến cần nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm./.
Liên Phương (TTXVN)
Giữ thế trận cho tiêu Việt Nam
VINAGRI News - Vào năm 2009, nhắc đến Chư sê, Gia Lai là người ta nghĩ ngay đến huyện toàn tỉ phú bởi chỉ trong vài năm trồng tiêu, người dân ở đây đã giàu lên nhanh chóng. Chư Sê là nơi có diện tích lớn nhất nhì cả nước về trồng tiêu và cũng là huyện thành công nhất vì nông dân rất hiểu biết về kinh doanh.
Năng suất tiêu Việt Nam vượt xa so với các nước, đạt 2 tấn/ha.
Chuyện nông dân ở Huyện Chư Sê coi chiếc điện thoại là vật bất ly thân không có gì là lạ. Đối với họ điện thoại là phương tiện để kinh doanh. Họ có thể gọi điện tham khảo giá cả mua bán trong ngày của các doanh nghiệp, tham khảo tình hình dịch bệnh của cây tiêu… và có thể tự định đoạt giá bán.
Ở Chư Sê, hầu hết nhà nào cũng khang trang, có nhà còn mua được cả xe hơi. Thu nhập của nông dân nơi đây sau mỗi vụ thu hoạch tiêu có khi được tính bằng tiền tỉ. Chính vì vậy, họ coi việc trồng và bán tiêu là một nghề kinh doanh và lên chiến lược rất cẩn thận. Trong lúc nông dân trồng điều, cà phê, cao su, lúa... luôn hoang mang lo sợ khi giá lên hay xuống thì người trồng tiêu rất bình tĩnh. Họ biết hàng của mình có thể được bán ra hay giữ lại, chứ không nhất thiết phải bán giá thấp.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Intimex TP.HCM, cho biết có thời điểm nước ngoài ngừng nhập khẩu một tháng nhưng nông dân vẫn đồng lòng không bán tiêu ra. Chính vì thế, họ vẫn giữ được giá, thậm chí bán giá cao hơn. 7 năm nay, đều đặn ngày nào nông dân cũng gọi điện đến tổng đài thông tin tự động để tham khảo giá cả rồi gọi điện cho nhau bàn phương án bán hay giữ.
Theo ông Nam, do nông dân biết điều tiết bán ra hay tạm trữ nên quy luật giá cả lên xuống theo chu kỳ của hồ tiêu đã bị phá vỡ. Không chỉ có nông dân trồng tiêu Gia Lai mà nhiều nông dân ở các tỉnh khác cũng áp dụng phương thức này. 6 năm trở lại đây, giá tiêu của Việt Nam luôn giữ được mức giá ổn định, thậm chí còn tăng cao liên tục. Nếu năm 2007 giá chỉ 30.000 đồng/kg thì năm 2008 đã lên đến 50.000 đồng/kg. Hiện tại, giá luôn dao động trong khoảng 120.000 – 130.000 đồng/kg.
Theo ông Nam, giá tiêu ổn định một phần là do sản lượng xuất khẩu tiêu của Việt Nam chiếm đến 50% sản lượng tiêu giao dịch trên thế giới và phần còn lại do sự đồng thuận trong kinh doanh của nông dân.
Chính vì sự ổn định của tiêu mà gần đây nhiều hộ nông dân đã phá bỏ những cây khác như điều chuyển sang trồng tiêu. Nhiều nơi không có điều kiện thích hợp trồng tiêu như Quảng Bình, Quảng Trị, Lâm Đồng… cũng đang ồ ạt trồng.
Theo thông tin chưa chính thức từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, giá trị xuất khẩu hồ tiêu cao gấp 4 lần cao su, 2,6 lần cà phê và 3,8 lần điều. Chính điều này đã khiến diện tích trồng tiêu tăng nhanh. Theo Hiệp hội, hiện nay diện tích trồng tiêu đã lên đến 60.000 ha, vượt 17% quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đến năm 2020. Điều đáng lo ngại là diện tích trồng tiêu đang tăng nhanh trên nhiều nước. Trong khi đó, năng suất tiêu Việt Nam lại vượt xa các nước.
Hiện nay, Ấn Độ có diện tích tiêu lớn nhất thế giới với 200.000 ha năng suất 3 tạ/ha, Sri Lanka 5 tạ/ha, Indonesia, Malaysia, Brazil 1 tấn/ha, còn Việt Nam cao nhất đạt 2 tấn/ha.
Một chuyên gia của Hiệp hội Hồ tiêu thế giới cho biết năm 2015 giá tiêu sẽ giảm vì nguồn cung tăng cao. Diện tích ngày càng tăng sẽ ảnh hưởng đến thế trận giá đang ổn định của ngành tiêu.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng khuyến cáo nông dân hạn chế mở rộng diện tích những vùng điều kiện tự nhiên không phù hợp. Nông dân nên chuyển từ số lượng sang chất lượng, bằng cách nâng cao việc xuất khẩu tiêu trắng, tiêu bột nhằm tăng giá trị sản phẩm.
Trở lại câu chuyện của người nông dân Chư Sê. Sau khi thành công với chiến lược găm hàng giữ giá, Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê đã thành lập Trung tâm kết nối nguyên liệu hồ tiêu nhằm giảm bớt khâu trung gian. Trung tâm này sẽ giúp doanh nghiệp mua bán trực tiếp với nông dân. Nếu thành công, mô hình này sẽ giúp nông dân bán được tiêu với giá cao và doanh nghiệp cũng mua được hàng có chất lượng.
Thanh Hương/ NCĐT
Thị trường tiêu Ấn Độ: Sản lượng hạt tiêu dự kiến ở mức 45.000 tấn trong năm tới
VINAGRI News - Sản lượng hạt tiêu năm tới của Ấn Độ ước tính thấp hơn 45.000 tấn. Dự báo đã được công bố tại Hội nghị Thường niên lần thứ 41 của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) đang tiến hành tại Kuching – Malaysia. Dự kiến sản lượng thu hoạch vụ tới của Việt Nam cũng thấp hơn.
Sàn lượng trong năm nay là 58.000 tấn. Tiêu thụ nội địa trong năm tới dự kiến sẽ đạt 48.300 tấn. Như vậy, hàng sẵn có có thể sẽ thấp hơn, nguồn tin thị trường tham dự hội nghị của IPC nói với Business Line.
Trên toàn cầu, sản lượng năm tới ước tính chỉ đạt 333.500 tấn, giảm 6.500 tấn.
Nhu cầu trong nước mạnh mẽ cho mùa đông và hàng sẵn có bị thắt chặt là lí do làm giá tiêu gia tăng mạnh.
Tại các thị trường chính, giá hạt tiêu xô được giao dịch trên 500 Rupi/kg. Nhưng, những người đang nắm giữ hàng là không muốn bán ra vì họ thấy giá đang gia tăng mạnh từng ngày.
Trên thị trường giao ngay, có 4 tấn tiêu cấp nông trại và 8 tấn của đường dây được đưa đến.
Trên sàn NMCE, hợp đồng tháng Mười Một, tháng Mười Hai và tháng Một lần lượt tăng 84 Rupi, 470 Rupi và 400 Rupi lên mức 50.200 Rupi/tạ, 50.799 Rupi/tạ và 50.800 Rupi/tạ (tương đương 7.931 USD/tấn và 8.026 USD/tấn). ( 1 USD = 63,295 Rupi )
Tổng doanh thu giảm 7 tấn.
Trong khi trên sàn IPSTA, hợp đồng tháng Mười Một tăng 1.000 Rupi lên 51.000 Rupi/tạ (tương đương 8.058 USD/tấn) và hợp đồng tháng Mười Hai tăng lên 50.250 Rupi/tạ (tương đương 7.939 USD/tấn) do chỉ tăng 550 Rupi. Có 89 tấn tiêu đã được giao dịch. “Trên thực tế là không hợp lý vì người mua nhiều hơn người bán”, các thương nhân cho biết.
Giá hạt tiêu giao ngay tiếp tục tăng vọt. Hôm qua thứ Tư, giá đã tăng 500 Rupi lên 49.800 Rupi/tạ (tương đương 7.868 USD/tấn cho loại tiêu xô và 51.800 Rupi/tạ (tương đương 8.184 USD/tấn) cho loại tiêu chọn, nhờ nhu cầu mạnh mẽ trong bối cảnh hàng có sẵn tiếp tục bị thắt chặt.
Giá tiêu đặc chủng Ấn Độ xuất khẩu tăng lên khoảng 8.550 USD/tấn (c&f) châu Âu và 8.850 USD/tấn đối với Mỹ, cao hơn giá tiêu xuất khẩu của các quốc gia khác.
Giá báo đối với tiêu các nguồn gốc khác (c & f) New York (USD/tấn): Việt Nam Asta $8.150 (Dec); Việt Nam Asta $8.275 (Jan / Feb / Mar); MLV Asta $7.950 (Apr – Oct); Lampong Asta $8.275 , Brazil Asta $7.700 FOB; Brazil b1 $7.600 FOB.
NPK (theo Business Line/ GT)
Malaysia: Lạc quan thận trọng cho những người trồng tiêu
VINAGRI News - Những người tham gia trong ngành công nghiệp hạt tiêu, đặc biệt là các hộ gia đình, đã được nhắc nhở đừng quá tự mãn trong bối cảnh tốc độ tăng giá toàn cầu mạnh mẽ của mặt hàng này.
Bộ trưởng bộ Hàng hóa và Cây công nghiệp Datuk Douglas Uggah Embas lưu ý rằng sự thiếu hụt nguồn cung trong khi nhu cầu ngày càng tăng đã góp phần thúc đẩy giá cả lên cao như hiện nay, khoảng 5.500 USD/tấn đối với tiêu đen, tương đương 17.600 RM (Ringgit Malaysia).
“Xu hướng này cũng được phản ánh vào thị trường nội địa mà giá bán tại cổng trang trại hiện đang ở 5.470 USD/tấn (17.500 RM) tiêu đen và 8.750 USD/tấn (28.000 RM) tiêu trắng.
“Tuy nhiên, có một yêu cầu cần giải quyết là các mối quan ngại của người trồng tiêu, khi mà đa số nông dân ở các nước sản xuất chủ yếu tham gia vào lợi ích này là các hộ gia đình. Một trong những thách thức lớn là chi phí sản xuất đang tăng do giá cả các loại phân bón ngày càng cao, nhiều dịch bệnh gây hại cây trồng và sự biến đổi khí hậu, tất cả đều ảnh hưởng đến sản lượng,” Ông Uggah cho biết trong bài phát biểu khai mạc tại Hội nghị Thường niên lần thứ 41 của Cộng đồng Hạt tiêu Quốc tế (IPC) tại Kuching, Malaysia ngày 11/11 vừa qua.
Ngoài ra, Uggah cũng nhấn mạnh đến tình trạng khan hiếm đất trồng tiêu như một yếu tố chính ảnh hưởng đến ngành công nghiệp hạt tiêu Malaysia.
“Chính phủ, thông qua Ban Hạt tiêu Malaysia (MPB), đặt ra mục tiêu tăng diện tích trang trại trồng tiêu từ 14.000 ha lên 20.000 ha vào năm 2020.
“Tuy nhiên, đất hiện là rất khan hiếm. Như vậy, những người tham gia ngành công nghiệp hạt tiêu đặc biệt là các hộ gia đình phải tìm cách để tăng năng suất và đồng thời, đa dạng hóa cây trồng của mình.
“Về phần MPB, Chính phủ hy vọng rằng Ban sẽ làm việc chặt chẽ với nông dân trồng tiêu, đặc biệt trong việc quản lý kiểm soát chi phí, tìm kiếm các giống mới và giải quyết các vấn đề dịch bệnh.”
Mặc dù vậy, Bộ trưởng đảm bảo với người nông dân rằng Chính phủ đã công nhận tầm quan trọng của mặt hàng này tuy còn qui mô nhỏ.
Hiện nay, có khoảng 67.000 người tham gia vào ngành công nghiệp hạt tiêu của Malaysia.
“Trong bối cảnh này, Chính phủ đã có các khoản tài trợ dành cho các hộ gia đình để nâng cao năng suất cũng như tái canh trên các khu vực không hiệu quả.”
Về triển vọng của thị trường hạt tiêu, Uggah cũng là phó chủ tịch MPB, đã rất lạc quan.
“Là một chính trị gia, tôi chắc chắn muốn giá tiêu tiếp tục gia tăng,” ông nói đùa. “Nhưng tôi nghĩ rằng phải trên một sự bền vững và hy vọng rằng sẽ tiếp tục được như vậy.”
Theo ông, tiêu vẫn nằm trong nhóm các loại gia vị chính được giao dịch trên toàn cầu, có tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,75 tỷ USD (hơn 5,6 tỷ RM) năm ngoái.
Malaysia, ông nói thêm, xếp thứ tư trong số 6 nước thành viên sản xuất của IPC.
“Năm ngoái, sản lượng hạt tiêu toàn cầu là 324.090 tấn, trong đó 39 % đến từ Việt Nam, tiếp theo là Indonesia 18 %, Ấn Độ 17 %, Malaysia 8 %, Brazil 13 % và Sri Lanka 5 %. Nhìn chung, các thành viên của IPC nắm giữ 85 % khối lượng sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu. ”
Khi nói như vậy, Douglas đề xuất cho IPC tiếp tục theo dõi các diễn biến cung cầu trên thị trường hạt tiêu toàn cầu, có tính đến những tác động trực tiếp lên giá cả.
“Tôi chúc mừng IPC có những sáng kiến khác nhau để giải quyết vấn đề này, tôi tin rằng những nỗ lực phối hợp cụ thể hơn nên dành cho việc quản lý nguồn cung và bình ổn giá nhưng đồng thời phải làm tăng tiêu dùng.
“Mỗi phân khúc thị trường phải được khai thác đầy đủ, bao gồm cả trong nước lẫn các quốc gia sản xuất hạt tiêu lớn”, ông nói thêm.
Tại buổi lễ khai mạc, Uggah cũng phát hành cuốn sách IPC thực hành sản xuất tốt và thống kê tiêu cùng với Chủ tịch IPC kiêm Tổng thư ký Bộ Hàng hóa và Cây công nghiệp Datin Paduka Nurmala Abd Rahim.
Giới thiệu cuốn sách mới tại Hội nghị IPC – Kuching, Malaysia
Giá tiêu ở Tây Nguyên tăng mạnh
VINAGRI News - Những ngày gần đây, giá tiêu trên địa bàn tỉnh Đác Nông cũng như các tỉnh Tây Nguyên tăng mạnh.
Người trồng tiêu ở thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông hết sức phấn khởi vì giá tiêu tăng cao.
Ngày 23-11, giá tiêu được các đại lý trên địa bàn thu mua vào với mức 153.000 đồng/kg, đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm qua, khiến người trồng tiêu hết sức phấn khởi.
Nhiều nông dân trồng tiêu ở Đăk Nông cho biết: Những tháng gần đây trong khi giá cà-phê giảm mạnh, ngược lại giá tiêu tăng liên tục hiện ở mức 153.000 đồng/kg, tăng trên dưới 30.000 đồng/kg so với hồi tháng 7-2013.
Theo các đại lý thu mua tiêu trên địa bàn tỉnh Đăk Nông, nguyên nhân tiêu tăng giá mạnh là do nhu cầu tiêu thụ tiêu của thế giới tăng mạnh, nhiều nước nhập khẩu hạt tiêu của Việt Nam.
Do giá tiêu đang ở mức cao nên từ đầu tháng 11 đến nay, hoạt động mua bán tiêu trên địa bàn diễn ra sôi nổi, trong đó có nhiều gia đình trữ tiêu nhiều năm nay cũng đem ra bán thu về nguồn lãi lớn.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, năm tỉnh Tây Nguyên hiện có hơn 22.000 ha tiêu, trong đó tỉnh Đăk Nông có diện tích lớn nhất với hơn 8.000 ha, tỉnh Gia Lai có 7.350 ha, tỉnh Đăk Lắk có 6.300 ha…
Những năm gần đây, do giá tiêu luôn giữ ổn định ở mức cao nên người trồng tiêu ở Tây Nguyên đã chủ động chọn các loại giống có năng suất cao, khả năng kháng bệnh tốt cũng như đầu tư chăm sóc vườn tiêu nhiều hơn nên năng suất của các vườn tiêu đạt bình quân từ hai đến 2,5 tấn/ha, thậm chí nhiều gia đình chăm sóc tốt, năng suất còn đạt hơn ba tấn/ha, mang lại lợi nhuận khá cao so với nhiều loại cây trồng khác ở Tây Nguyên hiện nay.
Chỉ còn hai tháng nữa là bước vào thu hoạch tiêu niên vụ 2013-2014 và với mức giá cao như hiện nay, người trồng tiêu ở Tây Nguyên tin tưởng vào một vụ mùa bội thu.
Nguyễn Công Lý/ Báo Nhân dân
Giá hạt tiêu tại tỉnh Đồng Nai tăng 30.000 đồng mỗi kg
VINAGRI News - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện nay mặc dù chưa bước vào mùa thu hoạch chính của vụ hồ tiêu nhưng một số hộ có vườn tiêu thu hoạch sớm tỏ ra rất phấn khởi vì giá hồ tiêu ở thời điểm này tăng khá cao.
Sản phẩm của một hộ nông dân chuẩn bị đưa vào nhà máy để chế biến xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Hiện giá tiêu bán ra vào khoảng 160.000 đồng/kg, tăng hơn cùng thời điểm này năm ngoái là 30.000 đồng/kg.
Đồng Nai hiện có diện tích trồng tiêu đứng thứ ba trong cả nước với gần 8.000ha. Trong đó có khoảng 7.300ha đang trong thời kỳ thu hoạch, với tổng sản lượng trên 15.000 tấn/năm.
Diện tích tiêu được trồng tập trung nhiều ở các huyện Cẩm Mỹ, Tân Phú, Xuân Lộc và Trảng Bom. Diện tích cây tiêu thời gian qua tăng nhanh là do 2 năm trở lại đây giá hạt tiêu luôn ở mức cao, nhiều nhà vườn chuyển đổi diện tích sang trồng tiêu. Cây tiêu hiện là một trong sáu loại cây trồng chủ lực của Đồng Nai
Theo chủ trương của tỉnh, những diện tích trồng mới, thâm canh sẽ được hỗ trợ kinh phí mua giống, phân bón và lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm.
Đồng Nai cũng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng Global GAP trên cây tiêu. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đang phối hợp với Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Nam triển khai đề tài “Sản xuất tiêu theo tiêu chuẩn Global GAP.” Đây cũng là “giấy thông hành” để các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap dễ dàng thâm nhập những thị trường khó tính như EU, Nhật, Mỹ… với giá cao.
Theo Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, đến thời điểm này, xuất khẩu hạt tiêu đen trên địa bàn tỉnh đạt trên 5.500 tấn, tăng trên 500 tấn so với cùng kỳ năm 2012. Ngoài sản lượng xuất khẩu tăng, giá tiêu cũng tương đối ổn định, ở mức trên 6.500 USD/tấn và là mặt hàng nông sản xuất khẩu hiếm hoi giữ được giá cao và tăng sản lượng xuất khẩu./.
Theo TTXVN/ Vietnam+
Giá tiêu tăng, người trồng tiêu phấn khởi
Từ đầu năm đến nay, giá thu mua hạt tiêu trên thị trường khá ổn định và luôn ở mức cao, khiến người trồng tiêu rất phấn khởi.
Chị Hà Thị Huề ở xã Ðắk R’moan (Gia Nghĩa) cho biết: “Gia đình tôi có hơn 500 trụ tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh, nhưng đã có lợi nhuận hơn 150 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, giá tiêu hạt thường ở mức 135.000 – 140.000 đồng/kg và hiện tăng lên mức trên 150.000 kg. Gia đình tôi cũng trữ được hơn 5 tạ và đã bán vào thời điểm giá ở mức cao nên cũng mừng”.
Giá tiêu tăng, nông dân càng chú trọng đầu tư, chăm sóc vườn cây |
Còn chị Nguyễn Thị Tuyết ở xã Ðắk Sin (Ðắk R’lấp) cũng vui vẻ: “Gia đình tôi hiện có hơn 1 ha tiêu, hàng năm thu về khoảng 3 tấn tiêu hạt. Làm nông thì ngoài việc trông được mùa, nông dân còn mong sao được giá, nên rất mừng vì giá tiêu có xu hướng tăng. Từ đầu tháng 11 đến nay, các đại lý thu mua tiêu hạt đều tăng từ 27.000 - 32.000 đồng/kg so với hồi tháng 8 và hiện đang ở mức 150.000 đồng/kg. Từ thực tế sản xuất tiêu đang đem lại lợi nhuận khá cao, gia đình tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm vốn, công sức để chăm sóc cho vườn tiêu phát triển tốt hơn”.
Ðối với nhiều hộ thì mặc dù trong nhà không còn tiêu hạt để bán, nhưng trước thông tin giá tiêu tăng, cũng rất vui vì ngoài vườn, tiêu cũng đã bắt đầu cho thu hoạch và hứa hẹn được mùa.
Theo một số đại lý thu mua nông sản trên địa bàn tỉnh thì đa số hạt tiêu khô được nông dân bán vào thời điểm trong các tháng 8 và 9 với mức giá khoảng 130.000 -135.000 đồng/kg để phục vụ cho nhu cầu chi tiêu hàng ngày và tái đầu tư sản xuất cho vụ sau.
Tuy nhiên, hiện nay, số lượng tiêu được nông dân còn trữ lại cũng khá nhiều, có những gia đình khi thời điểm giá trên 150.000 đồng vẫn bán tới hàng tấn tiêu. Ða số nông dân bán tiêu vào thời điểm này đều dự đoán được giá sẽ tăng và thường là thuộc những gia đình có điều kiện kinh tế ổn định, khá giả hơn.
Trước tình hình giá tiêu trên thị trường liên tục tăng, từ đầu tháng 11 đến nay, người dân đến các đại lý bán tiêu cũng khá nhiều. Ðiều đáng nói nữa là do nông dân chú trọng bảo quản tốt nên chất lượng hạt tiêu vẫn rất đảm bảo, dễ thu mua.
Ngoài việc được giá thì người trồng tiêu còn chú trọng chọn các giống cho năng suất, chất lượng cao nên hiệu quả kinh tế tăng lên. Giá tiêu ổn định nên nhiều gia đình càng chú trọng đầu tư, chăm sóc cho cây tiêu.
Giới chuyên môn cũng cho rằng, nguyên nhân tiêu có giá ổn định ngay từ đầu năm và hiện nay tăng cao là do nhu cầu tiêu thụ tiêu trên thị trường tăng mạnh, nhiều nước nhập khẩu hạt tiêu của Việt Nam.
Bài, ảnh: Thanh Nga
Tưới cây Hồ tiêu tự động (chọn thiết bị tưới)
Tưới dí vẫn là hình thức tưới phổ biến nhất cho công việc tưới cây Hồ tiêu của đa số bà con. Với hình thức này, có thể chi phí đầu tư không quá nhiều. Tuy nhiên chi phí vận hành sẽ rất cao. Bởi thường thì máy bơm hoạt động mỗi ngày lên tới 10-12 tiếng, cùng với đó cần nhiều công lao động hơn cho một diện tích trồng tiêu. Điều quan trọng hơn, việc tưới sẽ khó duy trì thường xuyên, đúng thời điểm, đều đặn với một lượng nước vừa đủ. Bên cạnh tưới dưới gốc, cây Tiêu cần thêm nước trên thân, lá và độ ẩm cần được duy trì.
Tưới tự động phun mưa luôn là giải pháp toàn diện cho tưới cây Hồ tiêu!
Anh Dương Văn Nảm, Thôn 4, Xã Long Bình, H. Bù Gia Mập, Bình Phước, chủ vườn tiêu 6 mẫu chia sẻ:
Lúc ban đầu anh tính sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt cuốn quanh mỗi gốc tiêu, bởi tưới tay thì vất vả quá, nhiều lúc không có công, bên cạnh đó chi phí chạy máy bơm cũng rất lớn, tưới tay cũng không còn khả thi do nguồn nước mỗi ngày một khan hiếm.
Tuy nhiên, anh cho biết nếu áp dụng tưới nhỏ giọt chi phí lớn quá, có thể sẽ chỉ làm thì điểm một mẫu, sau đó mỗi năm làm thêm một ít, tưới nhỏ giọt tuy giúp tiết kiệm nước nhưng không cải thiện được môi trường sống, và không giúp bộ rễ phát triển được nhiều.
Còn, với phương án tưới phun mưa, anh cho rằng phù hợp hơn cả, vì vừa đảm báo tiết kiệm nước, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho cây tiêu phát triển như cung cấp đủ nước, duy trì tiểu vùng khí hậu, cải tạo lớp đất mặt cho rễ cây phát triển rộng… và với người nông dân, chi phí đầu tư thấp là yếu tố quan trọng nhất để anh và nhiều bà con nông dân khác sẵn sàng chuyển đổi từ tưới thủ công sang tưới tự động.
Anh nói thêm, trước đây, với 6 mẫu, máy anh đầu tư một máy bơm D22, mỗi ngày chạy hết chừng 500 ngàn tiền dầu cùng 300 ngàn tiền công tưới cho 02 người. Cứ một tuần mới tưới hết 1 lượt và lại quay về tưới từ đầu, cứ như thế trong suốt mùa khô. Tính ra mỗi tháng anh chi phí hết hơn 20 triệu tiền dầu và công tưới.
Sau gần 1 tháng triển khai tưới thử trên mẫu tiêu đầu tiên, anh cho rằng, riêng về tiền dầu đã giảm một nửa vì mỗi lần chạy máy anh tưới hết 1 mẫu, chạy trong vòng 4-5 tiếng là ướt từ ngọn và thấm xuống lớp đất chừng 20 phân, rất phù hợp cho cây tiêu. Công tưới gần như không có, vì hai công tưới trước đây giờ chuyển sang chăm bón phân và chăm sóc thêm vườn cà phê cho anh. Tổng chi phí tưới cho mỗi mẫu tiêu giờ chỉ còn khoảng trên dưới 7 triệu, trong khi đó cây tiêu phát triển tốt hơn, giữ được đất tới xốp hơn, bảo vệ được nguồn nước
Cả ngàn héc ta hồ tiêu chết và nhiễm bệnh
Chi cục Bảo vệ thực vật Gia Lai ngày 14.11 cho biết toàn tỉnh này có trên 850 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh do loại nấm Phitopthora gây nên và chết chậm khi tiêu nhiễm một số loại nấm khác.
Nhiều diện tích tiêu đã bị chết và con số hồ tiêu bị bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo cơ quan chức năng, do nhiều người trồng tiêu thiếu hiểu biết khoa học kỹ thuật, bón nhiều phân hóa học, phân chuồng chưa hoai mục và thổ nhưỡng một số vùng không phù hợp đã dẫn đến thực trạng trên. Các huyện có diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh là Chư Pưh, Chư Sê, Chư Prông.
Một số địa phương đã gửi công văn khẩn chỉ đạo cơ quan chức năng phòng trừ và khắc phục hiện tượng tiêu chết hàng loạt. Theo Sở NN-PTNT Gia Lai, hiện tỉnh này có hơn 9.000 ha hồ tiêu, vượt xa quy hoạch có 6.000 ha hồ tiêu vào năm 2020. Đầu tư trồng hồ tiêu ồ ạt với chi phí lên đến 800 triệu đến 1 tỉ đồng/ha đã khiến nhiều người mất trắng, nợ nần khi tiêu bị bệnh chết hàng loạt.
Trần Hiếu