Hỏi:
Tôi mới trồng tiêu cho thu hoạch được năm đầu tiên, còn thiếu kinh nghiệm chăm sóc tiêu. Mong các bác, các anh, chị tư vấn cho tôi các chăm sóc tiêu. Đặc biệt là chăm sóc tiêu sau khi thu hoạch xong cho đến lúc ra hoa, kết trái?Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Vấn đề này nhiều chi tiết lắm, và còn tùy theo địa phương vì thời gian vụ mùa không giống nhau. Nhưng có mấy điểm chính bà con cần phải nhớ:
1. Giai đoạn nào cây cũng cần ăn, năng suất càng cao phải cho ăn càng nhiều. Tuyệt đối không để tiêu suy. Cho đến trước khi hãm nước, tiêu luôn phải được tưới giữ ẩm. Không có nước thì tiêu không ăn phân được. Trước và sau thu hoạch, nếu thấy tiêu suy, cần hồi phục ngay bằng phân NPK + phân cá, bánh dầu và phun KNO3…
Gần đây tôi thường khuyên bà con dùng xen kẽ thêm phân hữu cơ sinh học Biogel+Biosol nhập từ Ấn Độ. Vì tính chất đa dạng của loại phân này (xem kỹ giới thiệu các thành phần của phân) nên bà con khỏi phải lo chất này chất khác.
Cần nhớ là phải chăm cho tiêu hồi phục rồi mới hãm nước. Tiêu suy mà hãm nước là… tiêu luôn
2. Hãm nước + rửa cây sau thu hoạch. Trước tiên, phun thuốc, sục gốc để phòng trừ các loại tuyến trùng, sâu rầy, côn trùng chích hút… , nếu thấy cần thiết. Khoảng 1 tuần sau, dùng Norshield (đồng đỏ), Coc 85 hay các loại thuốc trị nấm gốc đồng với liều nhẹ theo hướng dẫn trên bao bì, để diệt sạch các loại nấm bệnh và làm cho tiêu rũ bỏ lớp lá già cỗi. Khi bắt đầu tiến hành hãm nước thì ngưng phân, thuốc hay bất kỳ thứ gì lên gốc tiêu.
Thời gian hãm nước thường kéo dài 30-45 ngày tùy theo thời tiết từng vùng.
3. Khi bắt đầu có mưa, hay chủ động tưới bung hoa, phun Biosol liên tiếp 2 lần cách nhau 7 ngày, bón 3-5 kg (nhiều hơn càng tốt) phân chuồng ủ hoai hay phân hữu cơ vi sinh có trộn thêm trichoderma và pseudomonas. Sau đó đổ phân Biogel xen kẽ với NPK 20-20-15 và bón vôi + lân Văn Điển …
Hỏi :
Mới hái tiêu xong, xin hướng dẫn kế hoạch hãm nước sau thu hoạch rõ hơn ?
Trả lời :
Tùy theo thời tiết, mùa màng của địa phương mà mình thực hiện việc hãm nước và rửa cây sau thu hoạch thành 2 phần hay gộp làm 1. Nếu 2 việc trước sau thì rất khỏe, còn gộp lại thì cần xem xét kỹ theo các ý sau:
-Phải phòng chống suy cây, sâu bệnh ở gốc bằng các loại phân bón lá bón gốc, thuốc trừ nấm, rệp sáp và tuyến trùng… trước khi hãm nước.
-Sau khi hãm nước thì tuyệt đối không đổ bất kỳ phân thuốc gì lên gốc nữa.
-Rửa cây trong thời gian hãm nước bằng các thuốc gốc đồng xịt lên thân lá. Có thể phun thuốc trừ côn trùng chích hút trên cây.
Dựa vào các ý trên để lên kế hoạch chăm sóc phù hợp với thời tiết, vụ mùa ở địa phương
Hỏi :
Cây tiêu 2 năm tuổi bị thâm đen thối trên và dưới mặt đất khoản 20 cm những phần còn lại vẫn bình thường, cây vàng và chết trong vòng khoảng 3 ngày là bị bệnh gì? có phải là thối cổ rễ ko? Cách trị và phòng ngừa như thế nào? (một nọc 2 dây chỉ chết 1 dây)
Trả lời :
Khả năng tiêu bị bệnh chết nhanh chết chậm rất cao. Thời gian ủ bệnh đã lâu và rất khó chữa. Cháu pha thuốc trị nấm gốc đồng để sục gốc và phun thật kỹ lên toàn bộ vườn tiêu vào lúc chiều mát, khoảng 10-15 ngày lặp lại. Pha nồng độ cao gấp đôi dùng chổi (cọ quét sơn) quét lên phần thân gốc từ đất mặt lên khoảng 25-30cm. Sau đó tiến hành hồi phục rễ bằng phân nước amino hay đạm cá, bánh dầu… và phun phân bón lá mà phân hữu cơ sinh học Biogel+Biosol là một lựa chọn hợp lý.
Hỏi:
Về tác dụng của bánh dầu như thế nào đối với cây trồng, bánh dầu có phải được ép từ đậu phụng để lấy dầu và còn lại bả phải ko? Cách sủ dụng bánh dầu như thế nào?
Trả lời :
Bánh dầu là phụ phẩm của quá trình ép dầu đậu phộng hay các loại hạt có dầu, chứa nhiều đạm hữu cơ, không bị bay hơi như đạm vô cơ. Ủ bánh dầu với Enzim Proteaz (men phân rã protéin) và men EM2 (khử mùi hôi) để làm phân bón cho cây rất tốt. Có thể đổ gốc hay phun lên lá để tăng nhanh sinh khối, đặc biệt kích thích hệ rễ và cành lá phát triển rất mạnh, hạt mẩy, nhất là tăng dung trọng tiêu.
Nguồn : Giatieu.com
Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014
Hỏi Đáp về kỹ thuật chăm sóc tiêu
Nhãn:
cay tieu,
phan chuong,
phong ngua tieu,
thương hiệu hồ tiêu,
tieu chet,
tiêu gia lai,
tiêu việt nam,
xuất khẩu hồ tiêu
Google Account Video Purchases
Long Khanh, Dong Nai, Vietnam
Hồ tiêu Tây Nguyên được mùa kép
VINAGRI News - Trong những ngày này, bà con nông dân ở Đăk Lăk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đang bước vào mùa thu hoạch rộ hồ tiêu. Điều đáng mừng là sau một thời gian nhiều diện tích tiêu ở các tỉnh bị nhiễm bệnh, tiêu chết hàng loạt…, nay hồ tiêu lại được mùa, được giá.
Tính đến nay, tỉnh Đăk Lăk có khoảng hơn 9.750 ha tiêu, trong đó có gần 5.500 ha tiêu cho thu hoạch, tập trung nhiều nhất ở các huyện Cư Kuin, Ea H’Leo, Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ, Krông Păk và nằm rải rác tại một số địa phương khác.
Điều khiến bà con nông dân nơi đây rất phấn khởi là hiện giá tiêu hạt trên thị trường luôn giữ ở mức khá cao, bình quân 140.000 -150.000 đ/kg. Đặc biệt giá tiêu hạt khô loại 1 được thương lái thu mua tại vườn từ 170.000 - 180.000 đ/kg, tăng gần 40.000 đ/kg so với mấy tháng trước.
Nông dân Đăk Lăk thu hoạch hồ tiêu trong tâm lý phấn khởi vì tiêu được mùa, được giá
Ở Đăk Lăk nơi có diện tích và sản lượng tiêu lớn phải kể đến huyện Cư Kuin khoảng 1.500 ha, với diện tích tiêu kinh doanh 595,3 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Ea Bhôk, Ea Ning, Ea Hu, Ea Tiêu… Hiện bà con nông dân tại địa phương đang tiến hành thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2013-2014, với năng suất bình quân đạt gần 3 tấn/ha, dự kiến vụ tiêu này toàn huyện sẽ thu được tổng sản lượng trên 3.000 tấn.
Đang leo chót vót trên chiếc thang sắt để hái tiêu trên ngọn, thấy chúng tôi đến, anh Kiên (thôn 6, xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin, Đăk Lăk) vội tụt xuống và đon đả: “Trụ tiêu tôi đang hái năm nay chắc phải được tới 12 kg khô chứ chẳng chơi. Nếu trụ tiêu nào cũng như trụ này thì nông dân chúng tôi chẳng mấy chốc mà giàu các anh ạ.
Nhà tôi có 1ha, trung bình mỗi sào trồng với 110 trụ tiêu, đang cho thu hoạch đều, niên vụ trước do thời tiết không thuận nên sản lượng bình quân mỗi trụ khoảng 6,5 kg tiêu khô thôi. Năm nay với lượng quả như thế này chắc chắn sản lượng sẽ cao hơn với khoảng 7 – 8 kg tiêu khô/trụ. Điều khiến nông dân chúng tôi rất vui mừng đó là giá hồ tiêu đầu vụ đang đạt 140-150.000 đ/kg”.
Cũng đang lúi húi thu hoạch hồ tiêu, bà Lê Thị Hà, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 500 trụ tiêu. Năm nay tiêu được mùa hơn nên mỗi trụ cũng đạt 7- 8 kg khô, nếu thu hoạch hết chắc cũng đạt khoảng 2 tấn tiêu khô. Ở huyện Cư Kuin chúng tôi, bình quân mỗi nhà năm nay thu về khoảng 1 tấn tiêu, còn các xã Ea B’Hôk, Ea Hu, Ea Ning kia mới nhiều, trong đó có nhiều hộ thu về trên 10 tấn, có hộ thu trên 15 tấn tiêu khô”.
Niên vụ tiêu năm nay được mùa, hơn nữa giá tiêu hạt trên thị trường luôn giữ ở mức khá cao, nên nhiều hộ nông dân ở các địa phương như Krông Buk, Krông Păc, Buôn Đôn… cũng bước vào vụ thu hoạch với tâm lý phấn khởi.
Ông Lê Văn Hải, xã Ea Nhôn, huyện Buôn Đôn hiện trồng hơn 800 trụ tiêu và đang cho thu hoạch năm thứ ba, dự tính sản lượng khoảng 2,8 tấn tiêu hạt, tăng 1,2 tấn so với vụ trước. Với giá thị trường hiện nay, vụ tiêu này anh Hải dự kiến thu về khoảng 420 triệu đồng.
Theo tính toán của các hộ nông dân trồng tiêu thì với mức giá này, mỗi ha hồ tiêu nông dân có thể đạt doanh thu từ 300 - 350 triệu đồng, trừ hết chi phí cũng còn lãi trên 50%. Đây là mức lợi nhuận khá lý tưởng. Tuy nhiên, điều này cũng cảnh báo nhiều hệ lụy rất nguy hiểm như: Phá vỡ quy hoạch cây trồng khác, hoặc những người có tiêu trong giai đoạn kinh doanh sẽ chăm sóc vượt mức yêu cầu dinh dưỡng bình thường. Vì vậy dễ dẫn đến việc lạm dụng phân bón hóa học, cây tiêu bị nhiễm sâu bệnh.
Hơn nữa vì lợi nhuận kinh tế người dân lại bất chấp vùng đất, khí hậu có phù hợp hay không, ồ ạt trồng tiêu, không tuân thủ quy trình kỹ thuật, dẫn đến dịch bệnh lan nhanh, tiêu chết hàng loạt. Không chỉ vậy, với giá tiêu như hiện tại, nhiều nông dân đã chặt phá cà phê để trồng tiêu thay thế. Điều này còn là mối đe dọa lớn đối với việc phát triển bền vững loại cây trồng này.
Trước tình trạng giá tiêu lên cao, Hiệp hồi Hồ tiêu Việt Nam và ngành chức năng các địa phương đã nhiều lần cảnh báo người dân không nên ồ ạt trồng tiêu bằng mọi giá, phớt lờ các khuyến cáo.
Nguyễn Thăng/ Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nghịch cảnh hồ tiêu Phú Quốc được mùa nhưng mất giá
Thời điểm này, nông dân huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đang vào chính vụ thu hoạch hồ tiêu nhưng giá mặt hàng này trên thị trường liên tục sụt giảm, người trồng tiêu ở đây đang đối mặt với tình trạng được mùa, mất giá.
Thu hoạch hồ tiêu. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Đảo Ngọc Phú Quốc có hơn 427ha hồ tiêu, trong đó gần 400ha cho thu hoạch. Từ đầu vụ đến nay, nông dân trồng hồ tiêu ở huyện đảo này đã thu hoạch khoảng 40% diện tích, năng suất bình quân đạt 2,6 tấn/ha. Nông dân vui với niềm vui trúng mùa, nhưng điều làm cho họ lo lắng là hồ tiêu đang giảm giá trên thị trường, lợi nhuận thấp.
Nếu như cuối năm 2013, giá hồ tiêu bình quân 170.000 đồng/kg tiêu hạt nhưng từ sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đến nay, giá liên tục giảm và hiện chỉ còn trên dưới 130.000 đồng/kg, giảm khoảng 40.000 đồng/kg.
Với giá tiêu hạt như hiện nay, sau khi trừ chi phí đầu tư sản xuất nhà vườn vẫn có lãi nhưng vấn đề họ lo ngại nhất là hồ tiêu tiếp tục mất giá thời gian tới, trong khi toàn đảo Phú Quốc còn khoảng 60% diện tích chưa thu hoạch, với sản lượng tiêu hạt khá lớn.
Theo tính toán của nhiều nhà vườn, nếu giá tiêu hạt trên thị trường ổn định từ 150.000 đồng/kg trở lên thì nông dân mạnh sẽ dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng tiêu, an tâm sản xuất mà không lo bị thua lỗ.
Năm 2014, huyện đảo Phú Quốc có kế hoạch mở rộng vùng sản xuất chuyên canh hồ tiêu với diện tích ổn định 500ha, sản lượng 950 tấn, tăng 20 tấn so với năm 2013. Huyện có chủ trương phát triển, nhân rộng mô hình tiêu chất lượng Global Gap, vận động doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu, thu mua, chế biến hồ tiêu theo phương thức ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân./.
Lê Huy Hải/ TTXVN
Hồ tiêu Việt Nam tiếp tục giữ vị trí hàng đầu thế giới
Năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu trên 134.000 tấn tiêu, thu về gần 900 triệu USD. Đây là giá trị cao nhất trong lịch sử ngành hồ tiêu Việt Nam từ trước đến nay. Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) dự báo, sản lượng của vụ mùa tiêu năm 2014 này của cả nước tăng không nhiều. Nhưng do nguồn cung tiêu trên thế giới sụt giảm nên giá tiêu xuất khẩu sẽ tiếp tục đứng ở mức cao. | |||
Trong những năm gần đây, hồ tiêu là mặt hàng nông sản duy nhất giữ được sự ổn định cao trong sản xuất và xuất khẩu. Năm 2013, xuất khẩu tiêu tăng trưởng cao và được giá. Theo dự báo, nhu cầu hạt tiêu trên thế giới ngày càng cao nhưng nguồn cung chịu nhiều hạn chế. Hiện tại, lợi thế đang thuộc về Việt Nam với điều kiện sản xuất tốt và sản lượng lớn. Theo đánh giá của VPA, sản xuất hồ tiêu trong nước đã có những bước chuyển dịch lớn, nhanh và rộng, từ cách sản xuất tự phát theo tập quán địa phương đến phương pháp canh tác mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Để giữ nguồn dinh dưỡng cho đất, phục vụ cho việc sản xuất tiêu sạch, người trồng tiêu đang thay dần thói quen dùng phân hóa học sang sử dụng phần lớn phân hữu cơ. Một số nơi, người trồng tiêu cũng đã liên kết với nhau trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, giữ hàng kiểm soát thị trường để không bị thương lái ép giá... Đến nay, Việt Nam tiếp tục giữ vị thế lớn về nguồn cung cho thị trường, nắm vai trò điều tiết thị trường và phân bổ nguồn cung.
Năm 2014, nguồn cung sản lượng tiêu khô của Việt Nam có khoảng 130.000 tấn và kim ngạch xuất khẩu cũng sẽ tương đương với năm 2013. Năm 2013, giá tiêu xuất khẩu vượt ngưỡng kỷ lục. Năm 2014 này cũng được dự báo sẽ tiếp tục là năm thắng lớn của hồ tiêu Việt Nam với giá cao, xuất khẩu tốt. Bởi thể, VPA khuyến cáo người nông dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích và hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo hiệu suất cây trồng. Hiện, diện tích trồng hồ tiêu của cả nước khoảng 60.000 ha, vượt cao hơn quy hoạch vùng tiêu, cả nước chỉ có 50.000 ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Trung./. |
Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014
Thị trường xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam năm 2013
VINAGRI News - Năm 2013 cả nước xuất khẩu 132.955 tấn hạt tiêu, thu về 889,78 triệu USD (tăng 13,8% về lượng tăng 12,1% về kim ngạch so với năm 2012); trong đó, riêng tháng 12 xuất khẩu 4.786 tấn, đạt 33,43 triệu USD (giảm 15,2% về lượng và giảm 16,6% về kim ngạch so với tháng trước đó).
Năm 2013, tổng lượng hạt tiêu xuất khẩu của thế giới là 250.000 tấn; trong đó, Việt Nam chiếm hơn 50% lượng hạt tiêu xuất khẩu của thế giới. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng giá hạt tiêutrên thị trường sẽ ổn định ở mức cao bởi trong những năm qua lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam chiếm hơn 50% lượng hạt tiêu xuất khẩu của thế giới, nên Việt Nam có khả năng tham gia bình ổn thị trường, giá cả nếu có sự thống nhất giữa các doanh nghiệp xuất khẩu, người trồng hồ tiêu. Nhìn chung, nguồn cung hồ tiêu cho nhu cầu tiêu thụ của thế giới chủ yếu đến từ các nước Việt Nam, Brazil, Indonesia, Maylaysia.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hiện có khoảng 95% sản lượng hạt tiêu sản xuất trong nước để xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ, còn lại 5% là tiêu thụ trong nước. Việt Nam có khoảng 15 doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu. Hiện, diện tích trồng tiêu của Việt Nam vào khoảng 60.000 héc ta. Những tỉnh có thế mạnh về trồng tiêu là: các tỉnh Đông Nam bộ (chiếm hơn 50% diện tích), Tây Nguyên (chiếm 31% diện tích cả nước), tiếp đến là các tỉnh miền Trung...
Hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hạt tiêu số 1 của Việt Nam, với kim ngạch liên tiếp đạt mức tăng trưởng cao, năm 2013 tăng 51,88% so với năm 2012, đạt 182,84 triệu USD. Tiếp theo là thị trường Đức 80,47 triệu USD, tăng nhẹ 0,08%; Singapore 63,66 triệu USD, tăng 56,28%; Hà Lan 61,51 triệu USD, tăng 4,68% so với năm 2012.
Nhìn chung, xuất khẩu hạt tiêu sang đa số các thị trường năm 2013 tăng về kim ngạch so với năm trước; trong đó, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng trưởng mạnh nhất tới 196,42%, đạt 54,45 triệu USD; tiếp đến là Thái Lan tăng 67,11%, Hoa Kỳ tăng 51,88%, Singapore tăng 56,28%. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Ai Cập lại sụt giảm mạnh 31% so với năm trước, chỉ đạt 25,16 triệu USD.
Thống kê Hải quan về xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường năm 2013. ĐVT: USD
Thủy Chung (Vinanet/ Hải Quan)
Tết buồn ở vùng hồ tiêu
VINAGRI News - Năm 2013 giá tiêu chạm ngưỡng kỷ lục nhưng tết này lại là tết kém vui của người trồng tiêu. Hàng trăm vườn tiêu chết rũ trong năm, kéo dài tới cận tết nguyên đán đã khiến nhiều nông dân thiệt hại nặng.
Chị Nguyễn Thị Bước (thôn 5, Ia Pal, huyện Chư Sê, Gia Lai) hái hồ tiêu non bị chết héo - Ảnh: B.D
Tiêu chết khô, anh Lê Đình Hân phải bới lá nhặt quả non bán vớt vát - Ảnh: B.D
Ông Lê Sỹ Quý - quyền trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Chư Sê - cho biết hai, ba năm nay tình trạng tiêu chết xảy ra không chỉ ở Chư Sê - vùng trồng tiêu lớn nhất nước mà khắp các huyện khác của tỉnh Gia Lai. Tiêu chết cũng khiến nhiều nông dân trắng tay, nhiều người đón tết mà không khỏi xót xa vì phải nhìn vườn tiêu héo hon từng ngày.
Trồng 900 trụ, chết 500 trụ
Dọc quốc lộ 14 từ huyện Chư Sê kéo về đến khu vực Chư Pứh (tỉnh Gia Lai) những ngày này dễ dàng thấy từng đám vườn tiêu chết khô dưới nắng, cả vườn tiêu đang xanh tốt bỗng chốc chỉ vài tuần đã đổ vàng và héo khô, chỉ còn lại những hàng trụ xếp dãy. Ở thôn 5 xã Ia Pal (Chư Sê), vườn tiêu của gia đình anh Lê Đình Hân và vợ là Nguyễn Thị Bước vài năm trước là niềm mơ ước của nhiều người. Chỉ trên một khoảnh đất nhỏ, gần 900 trụ tiêu được hai vợ chồng trẻ dày công chăm bón, trĩu quả nhưng giờ đây phải chứng kiến cảnh cay đắng: hái tiêu non. Anh Hân cho biết, đến nay 500 trụ tiêu chết rụi, nhiều cây chết nhanh đến nỗi lá khô vẫn dính sum suê trên trụ y hệt như bị chất độc hoá học.
Anh Hân nói vườn tiêu của mình bắt đầu được ươm từ năm 2007, đến đầu 2001 thì bắt đầu cho thu hái bói. Dù hái bói nhưng chỉ năm đầu 900 trụ tiêu này đã cho thu hoạch bốn tấn, năm thứ hai sản lượng cũng tương đương nhưng đến năm nay thì xảy ra sự việc đau lòng. “Tiền của hai vợ chồng đầu tư vào vườn này nhiều lắm rồi, mỗi năm nếu suôn sẻ thì thu về năm sáu trăm triệu là bình thường nhưng giờ phải chạy từng ngày để đi hái tiêu chết”. Dưới những trụ tiêu đã chết khô, anh Hân bới từng đám lá để nhặt những quả tiêu non rơi xuống gốc vớt vát, cạnh đó chị Bước và con gái cũng bắc thang chọn hái những chùm tiêu mới héo nằm lẫn giữa dây tiêu sống trên trụ. “Quả nào héo thì hái về bán non vớt vát, quả sống thì để lại hy vọng không bị chết nhưng vài bữa sau lại thấy chết trắng” – chị Bước nói. Cũng theo chị Bước, ngoài vườn tiêu ở thôn 5, gia đình chị cũng ươm 1.000 trụ ở nơi khác nhưng chết sạch, đã qua ba lần trồng nhưng nay tiêu vẫn không bén nổi.
Tình trạng tiêu chết hàng loạt không chỉ ở Ia Pal mà nhiều nơi trên huyện Chư Sê như Ablá, H’Bông… Ông Lê Sỹ Quý cho biết đã có trên 150 ha tiêu toàn huyện chết rũ mà chưa có giải pháp nào điều trị hiệu quả. Tại các huyện khác của tỉnh Gia Lai như Chư Pứh, Chư Prông… tiêu chết còn dày đặc hơn. Ông Trần Ngọc Sang ở Chư Pứh cho biết, hai tháng nay gia đình ông phải bỏ vườn tiêu, đợi cho tiêu chết hết rồi mới dọn vườn để chuyển qua trồng cây khác vì tiêu chết quá nhiều. “Nếu chỉ tính riêng trụ thì mỗi ha chúng tôi mất 700-800 triệu tiền trụ bê tông, tiêu không chết ngay khi mới trồng mà bắt đầu cho thu hoạch mới chết, chúng tôi đổ tiền đầu tư vào rồi tay trắng” – ông Sang chia sẻ.
Sai phương pháp
Ông Hồ Phước Bính – đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê - chia sẻ: “Nhiều người đổ tiền của trồng tiêu rồi lúc tiêu chết mà không hiểu vì sao. Đó là do họ chưa thật sự hiểu về cây tiêu!”. Ông Bính nói cây tiêu là cây trồng giúp nông dân đổi đời nếu ai biết cách trồng và thuần thục về kỹ thuật. Tiêu là loài cây chịu nước rất kém, hai năm qua mưa nhiều đã làm cho diện tích tiêu chết tăng lên, nông dân chưa thích ứng với môi trường chăm sóc mới. Ông Bính nói hiện nay nông dân khi trồng tiêu chủ yếu đào hố âm sâu cách mặt đất khoảng 5-7cm mục đích là để giữ nước lại khi tưới nhưng chính cách làm này lại vô tình giết chết cây tiêu vào mùa mưa. “Ông bà có câu “trồng trầu thì phải khai mương”, cây tiêu cũng y hệt như cây trầu nên phải hết sức tránh để ngập úng” – ông Bính nói.
Cụ thể hơn về nguyên nhân, ông Lê Sỹ Quý khẳng định tiêu chết là do các loài virut và nấm bệnh. Nguyên nhân sâu xa là cách canh tác, chăm bón của nông dân. Mùa mưa nước đọng lại dưới gốc cây tiêu là điều kiện tốt để các loài nấm thủy sinh phát triển, các loài nấm này ủ bệnh và xâm nhập trong thời gian dài cho tới khi cây tiêu trưởng thành thì nấm bắt đầu tấn công ồ ạt khiến tiêu chết rất nhanh. Để tránh thiệt hại, ông Quý nói hiện nhiều hộ dân đã bắt đầu đầu tư từ tưới tại gốc qua tưới bằng công nghệ phun nước nhỏ giọt, tưới bằng béc phun từ trên đọt xuống mặt đất, kết hợp với các biện pháp chống úng ngập vào mùa mưa. Ngoài ra nông dân cũng được khuyến cáo sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật kháng nấm, diệt vi khuẩn gây bệnh trong đất... nhưng đây chỉ là tình thế trước mắt.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có hơn 11.000 ha hồ tiêu, trong đó diện tích tập trung ở Chư Sê (2.476 ha), Chư Prông (gần 2.000 ha)… Trong năm 2013 đã có gần 500 ha tiêu chết, trong đó có nhiều hộ gia đình tiêu chết từ 2-3 ha. Đại diện Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết trước tình hình tiêu chết hàng loạt chi cục đã nhiều lần cử cán bộ xuống hướng dẫn nông dân cách trồng và chăm sóc vườn tiêu, chuyển từ phương pháp tưới tại gốc qua tưới phun nhỏ giọt theo công nghệ mới.
Ông Kpă Thuyên - giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Gia Lai - nói đã cử bộ phận chuyên môn xuống thống kê toàn bộ diện tích chết để có hướng hỗ trợ nông dân, hạn chế thiệt hại. Trước mắt tỉnh Gia Lai sẽ đề nghị Ngân hàng nhà nước xem xét giãn nợ để nông dân vượt qua khó khăn trước mắt, tái đầu tư vườn tiêu trở lại.
Trồng tiêu như... đánh bạcGiá hồ tiêu đang giữ ở mức 150.000 đồng - 160.000 đồng/kg nhưng tại vùng trồng tiêu nổi tiếng của cả nước là Chư Sê, nông dân đang bán tiêu với giá từ 180.000 đồng/kg, cao hơn giá công bố trên thị trường. Phòng Nông nghiệp Chư Sê cho biết cây tiêu đem về thu nhập cho huyện mỗi năm 1.200 tỉ đồng, năng suất đạt bình quân 3,8 tấn/ha.Mỗi ha nếu thuận lợi mỗi năm nông dân thu về từ 500 – 700 triệu đồng, đây là loài cây cho thu nhập “thần kỳ”. Tuy nhiên nhiều nông dân cho biết trồng tiêu như … đánh bạc. Trước đây khi chất đất còn đang mới, thời tiết thuận lợi nông dân trồng tiêu rất dễ dàng nhưng giờ đây ươm một vườn tiêu đối diện với quá nhiều rủi ro.
Thái Bá Dũng/ Báo Tuổi Trẻ
Đăk Lăk: Thiếu lao động thu hoạch hồ tiêu
Hiện nay hồ tiêu đang chín rộ nhưng thiếu lao động để thu hoạch. Thậm chí, nhiều diện tích tiêu ở các vùng trọng điểm tiêu bị chín khô trên cây, nhưng vẫn không có lao động để thuê mướn thu hoạch.
Nhiều hộ trồng tiêu đến ngày mồng Hai Tết đã huy động anh em, họ hàng, phương tiện chủ yếu là thang, bạt ni-lon để tập trung thu hoạch tiêu. Các địa phương cũng đã tổ chức đổi công, làm thêm giờ, ăn cơm trưa ngay tại vườn tiêu và triển khai thu hoạch cuốn chiếu từ vườn tiêu này đến vườn tiêu khác. Nhờ vậy, đến nay, nhiều hộ gia đình đã thu hoạch được từ 50 đến 60 % diện tích tiêu…
Đăk Lăk hiện có hơn 9.750 ha tiêu, trong đó có gần 5.500 ha tiêu cho thu hoạch sản phẩm. Diện tích tiêu này tập trung nhiều nhất ở các huyện Ea H’leo, Cư Kuin, Krông Năng, Krông Búk, Cư M’gar và thị xã Buôn Hồ.
Đồng bào các dân tộc cũng đã đầu tư thâm canh tốt nên năng suất tiêu đạt từ 26,19 tạ tiêu hạt/ha, trong đó, H. Cư Kuin đạt năng suất tiêu cao nhất, bình quân 30 tạ tiêu hạt/ha.
Theo Quang Huy
Tiêu đầu mùa bị thương nhân nước ngoài ép giá
Vụ tiêu năm nay chỉ mới bước vào những ngày đầu thu hoạch nhưng đã bị thương nhân nước ngoài ép giá làm giá giảm mạnh.
Hiệp hội Hồ tiêu khuyến cáo nông dân nên trữ hàng lại vì giá tiêu trên thế giới vẫn ở mức cao, trong khi nhiều nơi đang mất mùa, kể cả Việt Nam.
Giá rớt mạnh
Nếu những ngày cuối năm giá tiêu trong nước còn ở mức 170.000 – 180.000 đồng/kg tùy nơi thì từ những ngày cận tết đến giờ, khi nông dân bắt đầu bước vào vụ thu hoạch, giá tiêu đã “tụt dốc” không phanh, giảm mất 50.000 – 60.000 đồng/kg.
Ông Lê Đình Thường có hơn 3ha tiêu ở ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cho biết tới ngày 13.2, giá tiêu đen khô, tiêu xô đạt quy chuẩn xuất khẩu chỉ còn 120.000 đồng/kg, giảm 60.000 đồng/kg so với thời điểm trước tết.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Nguyễn Thứ – Trưởng thôn Hiệp Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức cũng phản ánh giá tiêu từ khoảng một tháng nay liên tục giảm, hiện chỉ còn 120.000 đồng/kg.
“Buổi sáng còn ở mức 122.000 đồng/kg, tới trưa đã giảm 2.000 đồng/kg, với cái đà này còn giảm nữa. Trong khi tôi coi tin tức thế giới thì thấy có giảm gì đâu, chưa kể giá tiêu Ấn Độ còn tăng 5%. Cái này chắc là do thương nhân nước ngoài thấy mình vào vụ thu hoạch nên ép giá. Tôi sẽ đi vận động bà con bán ra cầm chừng, còn thì trữ lại để giữ giá” – ông Thứ bày tỏ sự bất bình.
Đồng tình với nhận định trên, ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết năm nay hồ tiêu của vùng Tây Nguyên không những mất mùa do thời tiết, dịch bệnh mà còn bị ép giá còn có 116.000 – 118.000 đồng/kg. Chính vì thế, Hiệp hội cũng đang vận động bà con bán ra ít, cần tiền đến đâu thì bán đến đó chứ không bán đổ bán tháo, trữ lại để vực giá lên.
Nhà nước phải “cầm trịch”
Theo ông Trần Đức Tụng – Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), giá tiêu tại sàn giao dịch các thị trường nhập khẩu luôn bị “làm giá” cho thấp đi nhằm đón hàng Việt Nam trong kỳ thu hoạch. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang chịu sức ép từ các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên hiện nay nguồn cung trên thế giới hầu như chỉ có Việt Nam vì đang mùa thu hoạch.
Năm nay Tây Nguyên bị ảnh hưởng nặng do thiên tai, dịch bệnh nên sản lượng tiêu cả nước năm 2014 so với năm 2013 ước tính chỉ có thể bằng hoặc ít hơn một chút (sản lượng năm 2013 là khoảng 120.000 tấn). Trong khi đó, tiêu của Ấn Độ đã thu hoạch xong, các nước khác thì tới tháng 5, 6 mới thu hoạch nên giá cả trên các sàn giao dịch vẫn ở mức cao, trên 170.000 đồng/kg.
Chính vì thế, theo ông Tụng, bà con nông dân cần bình tĩnh, không để doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng tình hình mà ép giá. Bởi theo kinh nghiệm năm 2013, nếu Việt Nam vẫn tiếp tục giữ được chính sách bình ổn giá, giữ lại được hàng thì sẽ thắng.
Tuy nhiên áp lực đến hạn trả nợ ngân hàng, vật tư mua chịu trước đó vẫn đè nặng lên vai nhà nông nên trên thực tế hầu như 70% các hộ trồng tiêu vẫn bán ra. “Ở xã tôi, gần như 80% thậm chí 90% các hộ đều phải bán tiêu hết ngay sau khi vừa thu hoạch. Bởi không bán thì lấy tiền đâu trả nợ mua chịu phân bón, thuốc trừ sâu… trước đó. Chủ nợ đến tận nhà đòi ráo riết lắm” – ông Nguyễn Thứ than thở.
Theo ông Tụng, để ngành tiêu Việt Nam thực sự chủ động được giá cả trên thị trường thế giới thì nhiệm vụ này phải do Nhà nước cầm trịch, có được những chính sách hỗ trợ nông dân hợp lý.
“Không cần phải bỏ tiền ra mua tạm trữ như lúa gạo hay cà phê mà chỉ cần các ngân hàng tăng thời gian cho nông dân vay lên trên 12 tháng, chứ không chỉ từ 3-6 tháng như hiện nay. Bởi hồ tiêu một năm chỉ có một mùa vụ nên thời gian vay ít nhất phải bằng một chu kỳ trồng trọt thì bà con mới đủ sức chịu đựng, trữ thêm lại trong nhà 2 – 3 tháng sau thu hoạch. Khi đó mới có thể mới tránh được cảnh cứ đến mùa vụ là bị doanh nghiệp nước ngoài ép giá như lâu nay” – ông Tụng đề xuất.
Theo đánh giá của VPA và các doanh nghiệp, hồ tiêu năm nay có chất lượng khá tốt, hầu hết ở các vùng trồng tiêu chuyên canh đều có chất lượng tốt hơn mức quy chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên thời gian gần đây, một số đơn hàng của Việt Nam bị đối tác trả về do nhiễm dư lượng hóa chất Carbendazim từ thuốc diệt nấm. Chính vì thế, VPA đang khuyến cáo nông dân không sử dụng chất này trong trồng trọt và hướng tới sản xuất sạch, theo phương pháp hữu cơ để có sự phát triển bền vững.
Theo Dân Việt