Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Hồ tiêu đối diện với nguy cơ mất thị trường

“Nếu không chấm dứt tình trạng cường canh, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thì Việt Nam không chỉ mất thương hiệu hồ tiêu với khoản thu 1 tỷ USD mỗi năm mà hàng nghìn nông dân sẽ rơi vào cảnh trắng tay, điêu đứng”, ông Lê Đức Huy, Phó Tổng giám đốc công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 ở Đăk Lăk cho biết.

Nhiều thị trường từ chối nhập khẩu

Tháng 5 – 2014, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tiêu Việt Nam đã bị một số nước châu Âu (Đức, Hà Lan…) trả lại hàng và chịu mọi phí tổn vận chuyển, hợp đồng… do dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép. Cụ thể là hoạt chất Carbendazim, một chuyển hóa của Benomyl, được sử dụng rộng rãi ở nước ta để diệt các bệnh nấm trên cây hồ tiêu cao hơn mức cho phép là 0,1 mg/kg.

Tại Hội nghị Hồ tiêu Quốc tế IPC lần thứ 42 được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào cuối tháng 10 vừa qua, ông Michio Nozaki, Chủ tịch Hiệp hội Gia vị Nhật Bản đã gửi văn bản cảnh báo tới các DNXK, nếu không cam kết chất Carbendazim gần bằng 0 thì Nhật Bản sẽ không nhập khẩu tiêu Việt Nam. Còn tại Mỹ, nước tiêu thụ hơn 24.500 tấn tiêu Việt Nam thì hoạt chất Carbendazim lại là chất cấm trong thực phẩm. Như vậy, từ năm 2015 nếu Việt Nam không cam kết bảo đảm được tiêu chí này thì ngành hồ tiêu sẽ mất 30% thị trường cao cấp, khó tính nhưng sẵn sàng trả giá cao nếu bảo đảm các rào cản kỹ thuật, xuất xứ, thương mại bền vững cho xã hội và môi trường… Các DN thay vì xuất khẩu ra tất cả các nước tiêu thụ trên thế giới thì hồ tiêu chỉ còn con đường xuất thô dạng nguyên liệu cho các nhà rang xay, tinh chế dầu… không yêu cầu khắt khe về chất lượng như Ấn Độ, Indonexia… Trong khi đó, người dân lại ồ ạt trồng tiêu ngoài quy hoạch, trồng trên đất không phù hợp, cường canh, chạy đua với năng suất bằng cách lạm dụng các loại thuốc BVTV, chất kích thích… đẩy nguồn cung tăng lên mặc cho việc cảnh báo giá tiêu sẽ giảm sút trong tương lai.

Cũng theo các DNXK, để xuất khẩu hồ tiêu ra thị trường thế giới, khâu kiểm định chất lượng rất chặt chẽ, với khoảng 600 hoạt chất cấm, hạn chế trong hồ tiêu được các đơn vị thu mua nước ngoài đưa ra. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có phòng thí nghiệm nào đáp ứng được các yêu cầu này, việc siết chặt chất lượng hồ tiêu từ khâu sản xuất đang được các DNXK chú trọng.

Siết chặt chất lượng hồ tiêu xuất khẩu

Theo đánh giá của các DN và nhà khoa học thì dư lượng thuốc BVTV trong hồ tiêu là thực trạng chung do tình trạng cường canh, lạm dụng quá nhiều thuốc BVTV, chất kích thích sinh trưởng… trong các loại nông sản tại Việt Nam. Ông P.V.T, một nông dân trồng tiêu tại thị xã Buôn Hồ cho hay, hồ tiêu là cây trồng khó tính so với các loại cây khác, nên từ khi xuống giống bà con nông dân đã phải sử dụng chất kích thích rễ… đến giai đoạn kinh doanh thì thường xuyên phun các chất kích thích để được trái to, đều, thuốc diệt nấm…

Theo thống kê, ngành hồ tiêu đang đối mặt với hơn 600 hoạt chất bị cấm, giới hạn do các nước nhập khẩu đưa ra, nhưng với hoạt chất Carbendazim rất khó thực hiện do việc lạm dụng thuốc quá nhiều nên cây tiêu không có đủ thời gian phân hủy. Do vậy, ngay từ khi nhận được cảnh báo của các nước nhập khẩu, công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 đã tới tận các vùng nguyên liệu để mở các lớp tập huấn sản xuất hồ tiêu bền vững cho bà con nông dân ở các huyện thị Krông Năng, Buôn Hồ, Cư M’gar…; cam kết dành nhiều ưu đãi về giá cho người dân nếu bà con bảo đảm được việc quản lý dịch hại tổng hợp, không lạm dụng thuốc BVTV trong quá trình sản xuất nhưng chưa có chuyển biến nhiều. Hiện tại, Công ty chỉ mới có khoảng 30 ha tiêu dạt chứng nhận Rainforest Alliance.

Ông Lê Đức Huy, Phó TGĐ Công ty cho biết, cây tiêu hiện đang mắc phải những dấu hiệu rủi ro tương tự như ngành Chè những năm 2004 – 2006 là cầu giảm, cung tăng, có vấn đề về chất lượng sản phẩm, một số thị trường từ chối nhập khẩu… Vì vậy, ngay thời điểm này phải xây dựng, giữ vững thương hiệu hồ tiêu Việt Nam.

Ông Phạm Công Trí, Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, Carbendazim là hoạt chất diệt nấm có thời gian phân hủy rất lâu. Thực trạng tồn dư nói trên có thể do bà con nông dân sử dụng để chữa bệnh, cũng có thể do các nhà thu mua sử dụng để bảo quản nông sản. Thực tế, hoạt chất này phát hiện rất nhiều trong các loại nông sản khác, do vậy nếu không chặn đứng cách bảo quản phi khoa học này thì dù bà con nông dân sản xuất, quản lý dịch bệnh tốt thì tồn dư Carbendazim trong nông sản xuất khẩu vẫn vượt mức cho phép.

Theo Đăk Lăk Online

Lâm Đồng: Khó đoán những mùa tiêu Liên Hà

Trong 5 năm trở lại đây, nông dân xã Liên Hà, huyện Lâm Hà thường xuyên phá bỏ cây cà phê để trồng mới cây tiêu, ban đầu chỉ xuất hiện lác đác vài khu vực, nay đã lan rộng trên toàn địa bàn xã lên đến khoảng hơn 40ha. Dù đã qua hai mùa bội thu được giá, nhưng với kiểu sản xuất may nhờ, rủi chịu, nên mùa tiêu mới sắp tới đây vẫn là những kết quả khó đoán đối với người nông dân.


Một vườn tiêu tự phát đạt lãi đột biến ở xã Liên Hà, Lâm Hà
Đạt lãi đột biến

Tính đến cuối tháng 10/2014, Liên Hồ là một địa bàn thôn trồng tiêu nhiều nhất ở xã Liên Hà với hơn 20ha đang vào thời kỳ kinh doanh. Đến đây, chúng tôi được tham quan vườn tiêu 0,6ha đang chuẩn bị bước vào tuổi thứ 5 – tuổi nhiều nhất của vùng tiêu hơn 40ha xã Liên Hà. Chủ vườn, ông Vũ Đức Bình cho biết, đến đầu năm 2015, diện tích 0,6ha tiêu của gia đình sẽ thu hoạch vụ thứ 3 kể từ khi xuống giống trồng vào năm 2010. “Chúng tôi đang tích cực chăm bón để đạt năng suất vụ tiêu thứ 3 sao cho ngang bằng với 2 vụ tiêu trước đó là yên tâm…” – ông Bình nói. Bởi theo tính toán của ông Bình, nếu mỗi năm đạt năng suất trung bình trên dưới 4 tấn tiêu khô/0,6ha thì dù giá bán có “bắt đáy” 40-50.000 đồng/kg vẫn có thể thu lãi từ 60-100 triệu đồng (sau khi trừ khoảng 100 triệu đồng đầu tư).

Tuy nhiên, để xây dựng một vườn tiêu kinh doanh 0,6ha, sau hơn 2 năm phải đầu tư cơ bản tổng cộng từ 250-300 triệu đồng. Đến năm thứ 3 trở đi – khi tiêu có thu hoạch thì hàng năm chỉ tốn thêm khoảng 100 triệu đồng vật tư phân bón và công lao động. Trên cánh đồng 6ha cà phê hơn 15 năm tuổi, hàng năm, hộ gia đình ông Bình đạt tổng sản lượng từ 12 tấn hạt nhân trở lên. Nhân với giá hiện thời 40.000 đồng/kg, thành tổng doanh thu 480 triệu đồng. Trừ tất cả nguồn vốn “đầu vào”, gia đình ông Bình thu lãi ròng cà phê hơn 300 triệu đồng. Thay vì “an phận” với con số lãi này hàng năm, hộ ông Bình quyết định sang tỉnh Đắk Nông tìm mua các giống cây tiêu mới về trồng thay thế cho cây cà phê. Đến cuối mùa mưa năm 2010, ông Bình đã phá bỏ đồng loạt trên 0,6ha cà phê rồi cày xới cho đất tơi xốp, xây lên những hàng trụ cột bê tông để xuống giống trồng cây tiêu. Nhưng “vạn sự khởi đầu nan” trồng tiêu của hộ gia đình anh Bình không hoàn toàn “thuận buồm xuôi gió”. Cây tiêu Đắk Nông sinh trưởng trên vùng đất mới xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng mới vào 2 tháng tuổi bỗng chết héo rũ trên diện rộng đến hàng trăm gốc. Lặn lội khắp nơi tìm hiểu mới biết nguyên nhân cây tiêu con chết là do tưới thiếu nước, bón thiếu phân. Ông Bình phải bỏ thêm một lần tiền nữa để trồng lại hàng trăm gốc tiêu này.

May mắn đến với hộ ông Bình với 2 niên vụ tiêu thu hoạch đầu tiên – niên vụ 2012-2013 và 2013-2014, gia đình trồng tiêu đều được mùa, được giá với tổng sản lượng thu 4 tấn tiêu khô/0,6ha/vụ. Ông Bình bán ra với giá “lập đỉnh” mỗi ký tiêu khô trong năm 2013 là 130.000 đồng và trong năm 2014 là 185.000 đồng. So sánh với doanh thu trên cây cà phê cùng thời điểm, cây tiêu đã tạo ra một bước lãi đột biến ngoài mong đợi.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Bên cạnh vườn tiêu kinh doanh 0,6ha “gặp hên” nói trên, hộ ông Vũ Đức Bình đã chuyển đổi thêm 0,6ha cà phê sang trồng tiêu mới đã 3 tháng tuổi. Và dự kiến đến đầu năm 2015, ông Bình lại “mở mang” 0,6ha “tiêu trên đất cà” nữa. “Mình chuyển một phần diện tích cà phê sang trồng cây tiêu, nhằm dự phòng nếu thua lỗ cây này còn có cây kia hy vọng gỡ lại…” – ông Bình chia sẻ. Cùng suy nghĩ và làm theo việc “đổi cà sang tiêu” như hộ ông Bình có hộ nông dân trẻ Nguyễn Anh Tuấn ở cùng địa phương xã Liên Hà với diện tích 0,3ha. Nhưng thay vì cây tiêu xuống giống trồng dưới chân trụ xi măng (cây chết) thì Tuấn trồng dưới gốc cây báng súng (cây sống). Trồng cây sống vẫn theo cự ly cây cách cây và hàng cách hàng 2,5m như “trồng” cây chết. Do chủ yếu chăm sóc đến đâu tự đúc rút kinh nghiệm đến đó, nên Tuấn phải “trả học phí” quá đắt với hơn 70% cây tiêu 7-8 tháng tuổi bị chết khô không kịp cứu chữa. Hiện, vườn tiêu của Tuấn đã trồng mới lại vài tháng tuổi, đang lên xanh tốt là nhờ biết khắc phục những sai sót kỹ thuật lần trước – dẫu những ngày tới rất khó đoán kết quả sinh trưởng như thế nào (?!).

Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Hà, bà Nguyễn Thị Thưởng khẳng định việc chuyển đổi trồng mới hơn 40ha cây tiêu là do người nông dân tự phát, trong khi quy hoạch “hiện hành” ở địa phương chỉ gồm cây chè, cây cà phê và cây dâu tằm. Bởi vậy, các chi hội nông dân cơ sở đang lưu ý bà con nông dân nên thận trọng, cân đối hợp lý những diện tích chuyển đổi trồng tiêu mới, bằng mọi cách phải giữ lại diện tích đất để canh tác một trong 3 cây chủ lực chính trong hộ gia đình là cây chè, cây cà phê và cây dâu tằm như vừa nêu.

Theo Văn Việt (Báo Lâm Đồng điện tử)

Hậu Giang: Trồng tiêu dưới tán rừng tràm

Mô hình trồng tiêu dưới tán tràm kết hợp nuôi thủy sản của ông Dương Thanh Bình ở ấp 1, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, Hậu Giang, là điển hình, sáng tạo trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất phèn.


Mô hình trồng tiêu dưới tán tràm kết hợp với nuôi thủy sản.

Để tạo bước đột phá mới trong việc chuyển đổi cây trồng và tránh cảnh được mùa mất giá, ông Bình đã chủ động đi tham quan, tiếp cận các mô hình làm ăn mới để về thử nghiệm 3 công đất trồng tràm kém hiệu quả của mình. Ông Bình kể: “Tôi chủ động học hỏi các nhà vườn trồng tiêu ở Kiên Giang. Nhận thấy tiêu là cây trồng có nhiều triển vọng nên năm 2009, tôi bắt đầu trồng thử nghiệm 100 gốc tiêu trên thân cây tràm”. Do chưa có kinh nghiệm nên qua 3 năm trồng, 100 nọc tiêu của ông chỉ có 63 gốc phát triển tốt và cho thu hoạch. Vừa rồi, mỗi nọc tiêu cho thu hoạch 2 kg hạt khô, bán với giá 160.000 – 200.000 đ/kg, thu lợi nhuận trên 15 triệu đồng.

Đang chăm sóc vườn tiêu 5 năm tuổi, ông Bình cho biết: “Làm nọc tiêu có thể lấy các loại gòn, dừa, nhưng vài năm thì nọc sẽ bị gãy hoặc chết, khi đó phải thay thế nọc mới nên rất tốn công và kinh phí. Còn tràm là loại cây lâu năm, có nhiều lớp vỏ, giữ nước tốt, vì thế làm nọc tiêu sẽ không bị ảnh hưởng. Trồng dưới tán tràm giúp dây tiêu tránh được sự biến đổi bất thường của thời tiết”.

Một nông dân khác cho biết, trồng tiêu không quá khó vì tiêu chịu được đất phèn và ít sâu bệnh. Người trồng chỉ lưu ý đến việc khai thông hệ thống nước tưới tiêu, đào rãnh thoát nước tránh ngập úng, khoảng cách giữa các nọc tiêu khoảng 1,5 – 2m để dây tiêu mọc nhánh nhiều. Mỗi năm bón cho dây tiêu khoảng 3 lần phân NPK. Ngoài ra, để tiêu ngon, thơm nồng, thì sử dụng thêm phân chuồng để bón gốc. Thấy được hiệu quả kinh tế của việc trồng tiêu dưới tán rừng tràm, hiện tại mô hình của ông Bình được nhân rộng lên với 1.000 nọc tiêu (diện tích 3.000 m2)…

Ông Bình cho biết thêm: “Theo kinh nghiệm của nhiều nhà vườn trồng tiêu thì năm thứ 3 tiêu bắt đầu cho thu hoạch khoảng trên dưới 1,5 kg/nọc. Nhưng đến năm thứ 5 – 7 thì một nọc tiêu có thể cho từ 3 – 5 kg. Mỗi nọc tiêu có thể cho hạt tới 20 năm. Đến khi dây tiêu già cỗi không cho năng suất nữa thì có thêm nguồn thu từ cây tràm”. Nói về kỹ thuật, ông Bình chia sẻ: “Do đất phèn nên trước khi trồng nên sử dụng 50 kg vôi bột rải trên 1.000 m2, sau 7 ngày trồng thì sử dụng phân chuồng để để bón với liều lượng 5 – 7 kg/gốc tiêu. Liều lượng bón sẽ tăng dần cùng với sự phát triển của cây nhằm tạo độ tơi xốp, màu mỡ cho đất. Tràm trồng từ 1,5 – 2 năm tuổi sẽ tiến hành trồng tiêu. Chi phí để đầu tư phân chuồng, thuốc BVTV, giống chỉ 2 triệu đ/công”.

Về hiệu quả của việc trồng tiêu trên đất phèn, ông Bình so sánh: “Trồng tiêu cho thu nhập cao gấp chục lần trồng mía mà không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư, sản phẩm không phải cạnh tranh với nhiều mặt hàng khác. Hộ nghèo, ít đất vẫn có thể SX, chỉ với 2 công trồng 700 nọc tiêu sau 5 – 7 năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng”. Không chỉ vậy, nhờ tìm tòi, học hỏi nên ông Bình đã nắm được kỹ thuật ươm tiêu giống. Ngoài việc chuẩn bị giống để mở rộng thêm 3 ha, mỗi năm ông còn cung cấp cho thị trường trên dưới 6.000 nọc với giá 6.000 đ/nọc, lợi nhuận trên 30 triệu đồng. Với việc trồng tiêu, kết hợp với nuôi cá, ốc… mỗi năm đem lại nguồn thu nhập vài trăm triệu đồng cho gia đình ông Bình.

“Trồng tiêu dưới tán rừng tràm là mô hình hay giúp địa phương giữ được và phát triển diện tích rừng tràm. Hiện diện tích trồng tiêu dưới tán tràm của Long Mỹ là 2,8 ha. Bình quân cho thu nhập 40 – 50 triệu đ/ha đối với tiêu 2 – 3 năm tuổi, trên 100 triệu đ/ha đối với cây 4 – 5 năm tuổi”. Ông Huỳnh Thế Anh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Long Mỹ – Vị Thanh, cho biết.

Nguồn Nongnghiep.vn

Hồ tiêu, cây trồng “vàng” đất Việt

Việt Nam trở thành nước sản xuất hồ tiêu số 1 của thế giới từ năm 2000 và liên tục 14 năm liền, từ đó đến nay vị trí đó không đổi.



Xóm Nghệ Tĩnh tỷ phú

Vùng trồng hồ tiêu của tỉnh Bình Phước phần lớn nằm dọc theo Quốc lộ 13 thuộc 2 huyện Lộc Ninh và Bù Đốp. Qua ngã 3 cửa khẩu Hoa Lư 20 km, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp có ấp Tân Hòa nhưng cái tên ấp đó chỉ được sử dụng cho mục đích hành chính, còn tên gọi thường ngày là xóm Nghệ Tĩnh tỷ phú.

Cả xóm có trên 100 hộ, 100% đều có quê gốc ở Nghệ An và Hà Tĩnh và 100% đều có thu nhập tròm trèm 1 tỷ đồng/năm.

Năm 1988, ông Cao Đình Hồng, đưa 5 con, 4 trai 1 gái: Tân, Tiến, Mạnh, Hùng, Phương đều đang tuổi “lao động vàng” từ xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An vào đây lập nghiệp.

Vùng đất này ngày trước đã có chủ nhưng các hộ kinh tế mới của TP Hồ Chí Minh, các hộ Việt kiều Căm Pu Chia chạy nạn Pôn pốt đã không trụ lại được, còn ông Hồng nhờ đã có “nhãn quan” kinh tế mới (vốn là dân Hưng Nguyên đi kinh tế mới ở Nghĩa Đàn) nên sớm phát hiện ra mỏ vàng dưới lớp đất bazan nâu đỏ và trồng tiêu ngay từ những ngày đầu.

Ban đầu chỉ được vài trăm trụ nhưng với giá tiêu sọ 1 chỉ vàng/kg, ông Hồng khá lên rất nhanh và thu hút thêm nhiều gia đình khác và ấp Tân Hòa trở thành xóm Nghệ Tĩnh tỷ phú. Riêng đại gia đình ông Hồng đã có đến 40 ha, trồng 3 cây chính là hồ tiêu, cao su và cà phê, trong đó hồ tiêu là chủ lực với sản lượng bình quân 35 T/năm.

Không riêng Tân Hòa mà hồ tiêu đã làm nên bao nhiêu ấp tỷ phú khác, đổi đời hàng vạn hộ nông dân từ nghèo trở nên khá giả, giàu có ở Châu Đức (BR-VT), Xuân Lộc, Cẩm Mỹ (Đồng Nai), Đăk Mil, Cư Jut (Đăk Nông), Eakar, Eahleo (Đăk Lăk) Chư Sê (Gia Lai)…

Đến với những xóm ấp này cứ tưởng một nơi nào đó trên thế giới vì ai ai cũng có biệt thự, có đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt hiện đại, có tài khoản ngân hàng, xài thẻ tín dụng, sử dụng internet và đặc biệt vào các dịp lễ tết thì đoàn xe hơi, con em của họ đang đi làm ăn ở các thành phố, cứ nối đuôi nhau…

Sức mạnh của thông tin

Việt Nam trở thành nước sản xuất hồ tiêu số 1 của thế giới từ năm 2000 và liên tục 14 năm liền, từ đó đến nay vị trí đó không đổi. Hồ tiêu là mặt hàng nông sản duy nhất của Việt Nam không xảy ra hiện tượng “được mùa mất giá” do người nông dân có thể tự điều tiết lượng hàng hóa bán ra từng thời điểm để có được giá cả có lợi nhất.

Tại sao các mặt hàng có thế mạnh tương tự hồ tiêu như cà phê, cá da trơn lại không làm được điều đó? Câu trả lời là hồ tiêu có được sự hỗ trợ của thông tin. Không có mặt hàng nào mà có được thông tin minh bạch về sản lượng sản xuất, lượng hàng tồn kho, cân đối cung cầu, giá cả trên từng thị trường được cập nhật một cách đầy đủ, kịp thời, có độ tin cậy cao như thông tin của Hiệp hội hồ tiêu thế giới IPC.

Gia nhập IPC năm 2005, Hiệp hội hồ tiêu VN – VPA là hội ngành hàng duy nhất của Việt Nam gia nhập hội ngành hàng của thế giới và trở thành thành viên quan trọng nhất, thành viên có mức đóng góp hội phí cao nhất (100.000 USD/năm), cho tổ chức này.

IPC có 6 thành viên, bao gồm Brazin, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Srilanka và Việt Nam có tổng sản lượng 331.500 T, chiếm 87% sản lượng hồ tiêu của toàn thế giới (năm 2013) nên tiếng nói của IPC cực kỳ quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành hàng này trên quy mô toàn thế giới.

Thông tin của IPC được VPA chuyển tải lại trên trang web của mình và trở thành công cụ tư vấn cực kỳ hiệu quả không những cho các DN, các trang trại mà cả cho hàng nghìn hộ trồng tiêu khác.

Mặt khác, do được tích lũy từ nhiều năm nên phần lớn các hộ trồng tiêu không bị thúc ép bởi gạo tiền thường nhật, tiêu lại có thể đóng bao bảo quản thông thường từ 2-3 năm mà không sợ bị hư hao, đấy là cơ sở để người trồng tiêu, trữ tiêu lựa chọn được thời điểm bán ra phù hợp nhất cho mình.


Đoàn khách quốc tế tham quan một vườn trồng hồ tiêu

Đâu là lợi thế của hồ tiêu Việt Nam?

Năm 2014, tổng diện tích hồ tiêu kinh doanh của VN khoảng 63.000 ha cho sản lượng 135.000 T (đã trừ 20.000 T nhập khẩu) bán được 1.080 triệu USD (không kể 6.000 T tiêu dùng nội địa) bình quân mỗi ha thu được hơn 17.000 USD (tương đương 350 triệu VND).

Năm 2014 trở thành năm lịch sử trên cả 3 phương diện: Diện tích, sản lượng, giá trị, đồng thời cũng là năm cao nhất của giá bán hồ tiêu tại nông hộ – bình quân 170.000 đ/kg. Với mức giá trên ít có cây nào sánh kịp và trở thành động lực làm bùng nổ diện tích trồng mới.

Theo ước tính của nhiều chuyên gia, diện tích trồng mới trong 2 năm 2013 và 2014 là rất lớn, ước khoảng 10.000 ha/năm và chưa có dấu hiệu dừng lại, bởi vậy diện tích hồ tiêu trong các năm tới sẽ là 100.000 ha, gấp 2 lần diện tích quy hoạch định hướng của Bộ NN&PTNT.

Song song với bùng nổ về diện tích, thâm canh ắt cũng sẽ bùng nổ về dịch bệnh. Điều tra của Viện KHKTNN Miền Nam cho thấy hồ tiêu đang mắc 8 trọng bệnh là chết nhanh, chết chậm, xoăn lá, thối rễ, đốm lá đen, đốm lá trắng, đốm rong, rệp bông, trong đó có 2 bệnh nguy hiểm nhất từng xóa sổ nhiều vùng tiêu ở Việt Nam là bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora và chết chậm do nấm Fusarium.

Nấm bệnh nhiều làm cho lượng dùng thuốc BVTV trên hồ tiêu tăng lên, nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, đấy là nguyên nhân chính làm cho tiêu VN không đủ độ tin cậy để chen chân được vào các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Mức giá 200.000 đ/kg được coi là kỷ lục trong vòng 15 năm nay của hồ tiêu VN nhưng hãy còn rất rẻ so với Ấn Độ, Mã lai, Indo từ 1.500 – 2.500 USD/T.

Từng có nhiều đoàn đại biểu của IPC tham quan hồ tiêu VN, trong đó có không ít các nhà khoa học hàng đầu về hồ tiêu. Khi đến các vườn tiêu có năng suất từ 4-5 T/ha, họ đều khen ngợi nông dân ta hết lời nhưng khi về tới khách sạn chỉ còn vài người thân tình thì họ lại nói khác, 30 năm, 50 năm trước hồ tiêu của họ cũng từng đạt năng suất như vậy nhưng bị gãy đổ bởi dịch bệnh. Cũng theo họ, muốn bền vững thì năng suất chỉ nên duy trì trên dưới 2 T/ha.

Sự tăng giá nhiều năm liền của hồ tiêu do sự phát triển của ngành chế biến thức ăn nhanh sử dụng nhiều gia vị hơn; sự tăng giá đột biến từ 7.053 USD lên 11.000 USD/T vào cuối năm 2014 vừa qua chủ yếu là do giảm sản lượng 43.000 T từ Ấn Độ, Indonesia và Sri Lanka. Những nước này, nhất là Brazil đang nỗ lực để tăng sản lượng hồ tiêu, dự báo sản lượng cầu vượt cung ở năm 2015 trở về sau sẽ không còn đáng kể….

Nguồn Nông nghiệp Việt Nam

Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Kịch bản nào cho hồ tiêu Việt Nam?

13 năm liên tục ở “ngôi hậu” trong “làng xuất khẩu hồ tiêu thế giới”, hạt tiêu Việt Nam đang ở thời kỳ huy hoàng nhất. Quy hoạch phát triển cho ngành này vừa được ban hành cuối tháng 6, nay đã bộc lộ tính thiếu thực tế…

Các nhà hoạch định chiến lược hoàn toàn có lý khi khẳng định quy hoạch phát triển phải dựa trên nhu cầu thị trường, khai thác lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí hậu, thời tiết để phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, hiệu quả và bền vững… Nhưng, dường như các nhà hoạch định lại đang tự mâu thuẫn với chính mình trong mục tiêu phát triển và định hướng quy hoạch.

Giữ kỷ luật hay giả làm ngơ?

Hồ tiêu của Việt Nam là cây trồng có sức cạnh tranh đặc biệt lớn, thị trường thế giới lại rất hút hàng, giá hồ tiêu xuất khẩu đang cao kỷ lục khiến nông dân trồng tiêu lãi to. Cho nên không chỉ nông dân, mà có lẽ ngay cả các cơ quan quản lý địa phương cũng đang làm ngơ trước mệnh lệnh xóa bỏ hơn 20% diện tích hồ tiêu nằm ngoài quy hoạch.

Trước hết, nếu diện tích trồng hồ tiêu năm 2013 tăng theo diện tích cho thu hoạch như đã được công bố thì tổng diện tích đã đạt hơn 62.000ha, tức là tăng khoảng 12.000ha (23,8%) trong vòng bốn năm gần đây. So với quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, diện tích hồ tiêu duy trì và ổn định ở mức 50.000ha, thì con số tăng nói trên phải xử sao đây?

Tại sao diện tích hồ tiêu lại tăng nóng chỉ trong một thời gian ngắn như vậy? Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng do giá hồ tiêu xuất khẩu những năm gần đây đã hai lần tăng đột biến. Nếu như giá hồ tiêu xuất khẩu năm 2006 chỉ đạt 1.632 USD/tấn thì năm 2007 tăng gấp đôi lên 3.269 USD/tấn, nửa đầu năm nay đã là 7.156 USD/tấn. Đây chính là nguồn động lực cực lớn thúc đẩy nông dân dồn sức phát triển cây tiêu.

Doanh thu từ hồ tiêu cao hơn bất kỳ loại cây công nghiệp lâu năm nào khác, mỗi hecta hồ tiêu đạt hơn 14.200 USD, cao gấp 5,2 lần so với cà phê, 5,6 lần so với cao su và 8 lần so với chè và điều. Rõ ràng với doanh thu như vậy, chắc chắn “phán quyết” giảm mạnh diện tích đang lãi “khủng” hiện nay để chuyển sang các loại cây cho doanh thu thấp hơn là điều quá khó để nông dân chấp nhận, nếu không muốn nói là không thể.

Giá có thể tăng mãi được không?

Giá hồ tiêu tăng nóng như vậy có phải nhờ ngành hồ tiêu nước ta đã điều tiết được giá thế giới, trong đó công đầu thuộc về nông dân, như nhiều ý kiến đã khẳng định? Các số liệu thống kê hoàn toàn đủ để cho phép khẳng định rằng đây chỉ là điều kiện đủ, khi điều kiện cần đã xuất hiện.

Trước hết, theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), diện tích hồ tiêu thế giới năm 2012 đã giảm xuống 540.000ha (từ 640.000ha năm 2006), tức là đã giảm tới 15,7%. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến sản lượng hồ tiêu thế giới năm 2012 chỉ đạt 461.000 tấn, vẫn giảm 5.000 tấn so với kỷ lục 466.000 tấn trước đó sáu năm, do năng suất trong cùng kỳ tăng khá.

Theo ước tính của IPC, sản lượng hồ tiêu thế giới năm nay lại giảm do mất mùa và gần như sẽ trở lại như mức đã đạt được năm 2006. Như vậy, sản lượng hồ tiêu thế giới bảy năm gần đây hầu như “giậm chân tại chỗ”. Nghĩa là nguồn cung khan hiếm làm giá liên tục sốt nóng.

Trong điều kiện cán cân cung – cầu nghiêng về phía các quốc gia xuất khẩu như vậy, với tỉ trọng thị phần xấp xỉ 39% trong những năm gần đây, việc nông dân trồng hồ tiêu nước ta không ồ ạt bán ra ở những thời điểm nhất định, họ đã tận dụng được cơ hội mà thị trường mang lại.

Bởi lẽ, nếu như diện tích và sản lượng hồ tiêu thế giới tăng mạnh như những năm trước đây, giá hồ tiêu liên tục đứng ở mức thấp thì cho dù điều tiết được lượng xuất khẩu, chắc chắn họ cũng không có phép mầu nào để đẩy giá xuất khẩu nhúc nhích.

Theo quy luật thị trường hàng hóa thế giới, sau một thời gian tăng nóng đủ dài, giá cả sẽ thúc đẩy sản xuất tăng mạnh, dẫn tới tình trạng cung lớn hơn cầu, giá cả sẽ giảm mạnh cũng trong một thời gian đủ dài, một chu kỳ gồm hai pha nóng, lạnh tương tự sẽ được lặp lại. Điều đó đã được chứng minh trong ba thập kỷ gần đây. Thị trường hồ tiêu đã trải qua hai chu kỳ sốt nóng – lạnh 1985-1993 và 1994-2005, từ năm 2006 đến nay là giai đoạn sốt nóng.

Trong khi đó, với tổng sản lượng ổn định ở mức 140.000 tấn theo quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2-1,3 tỉ USD, giá hồ tiêu xuất khẩu của nước ta ít nhất phải đạt khoảng 8.600-9.300 USD/tấn, tức là sẽ tăng khoảng 30-40% so với năm 2013.

Cho dù mục tiêu này còn được hỗ trợ bởi việc nâng cao chất lượng và tái cơ cấu, nhưng sau pha sốt nóng đã bước sang năm thứ tám hiện nay, không ai dám đoán chắc giá hồ tiêu thế giới sẽ còn liên tục tăng mạnh như hiện nay. Và nếu giá tiếp tục tăng nóng như vậy, chắc chắn nông dân nước ta sẽ còn dồn sức hơn nữa để phát triển hồ tiêu, cho nên mục tiêu giảm diện tích sẽ càng xa vời hơn nữa.

Hướng đi nào?

Như đã nói ở trên, cho dù giá hồ tiêu năm nay đã bước sang năm thứ tám sốt nóng, mà theo quy luật sau “nóng” sẽ là “lạnh”. Nhưng cũng lại có những dự đoán rằng nhiều khả năng chu kỳ “nóng” còn kéo dài khoảng ba bốn năm nữa và sẽ đạt kỷ lục về thời gian sốt nóng kể từ thập niên 1960 trở lại đây.

Lý do chủ yếu để suy đoán như vậy là do châu Á chiếm gần 90% diện tích và 84% sản lượng hồ tiêu thế giới đang đối mặt với nguy cơ El Nino, cho nên rất khó để khôi phục nhanh diện tích trong ngắn hạn.

Trong đó, như các số liệu thống kê của FAO cho thấy, trong khi diện tích hồ tiêu của “người khổng lồ” Ấn Độ đạt kỷ lục hơn 260.000ha năm 2006, chiếm 40,7% tổng diện tích thế giới, nhưng năm 2012 vẫn ở sát mức đáy 185.000ha.

Bên cạnh đó, một “đại gia” khác về diện tích hồ tiêu là Indonesia với gần 179.000ha (năm 2012) cũng chỉ có năng suất khiêm tốn ở mức 58% năng suất bình quân của thế giới, cho nên khả năng nhanh chóng phục hồi diện tích bị giảm rất lớn cũng không hề dễ dàng.

Trong điều kiện như vậy, với ưu thế vượt trội gấp 2,34 lần năng suất bình quân của thế giới và gấp 4 lần của Indonesia, thậm chí gấp 6,9 lần của Ấn Độ…, rõ ràng sức cạnh tranh của hồ tiêu nước ta là đặc biệt lớn.

Thực tế đó có lẽ cho phép khẳng định rằng việc nông dân nước ta tăng rất mạnh diện tích hồ tiêu kể từ cuối thập niên 1990, thậm chí tăng ồ ạt ngay cả trong những năm sốt lạnh giá hồ tiêu thế giới đầu thế kỷ này và giành luôn “ngôi hậu” trong “làng xuất khẩu hồ tiêu thế giới” để hưởng lợi giá hồ tiêu thế giới sốt nóng từ năm 2006 đến nay là lựa chọn đúng.

Trong bối cảnh như vậy, ép nông dân giảm mạnh diện tích là một việc khó. Chấp nhận diện tích hiện có, hay thậm chí tăng thêm, làm tăng vọt năng suất lên gấp rưỡi như mục tiêu đã đề ra cần phải dựa trên cơ sở tính toán và năng lực dự báo thị trường giỏi của đội ngũ chuyên môn có nghiệp vụ vững vàng.

Giảm diện tích và sản lượng trong lúc sốt nóng giá cả thế giới vẫn còn ở phía trước là một quyết định không dễ dàng. Nhưng rõ ràng, trong tư thế dẫn đầu hiện nay, một nỗ lực cần làm tốt bên cạnh năng suất và tái cơ cấu mặt hàng là việc xây dựng thương hiệu, hình ảnh cho “tiêu Việt Nam”, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.



Bạt ngàn hồ tiêu Tây nguyên

Vỡ quy hoạch

Giá hồ tiêu thực tế tại vườn ở Gia Lai dao động ở mức 190.000-200.000 đồng/kg đang tiếp tục kéo dài cơn sốt hồ tiêu nơi có diện tích trồng tiêu lớn nhất nước này. Theo quy hoạch của tỉnh, đến năm 2020 diện tích hồ tiêu trên toàn tỉnh ở mức 6.000ha nhưng chỉ mới đến giữa năm nay đã vượt lên 10.000ha.

Chia sẻ về thực trạng này, ông Lê Văn Lịnh phó giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai nói: “Còn năm năm nữa mới tới thời điểm chốt của quy hoạch hồ tiêu toàn tỉnh nhưng đến giờ đã có tới gần 10.000ha hồ tiêu rồi. Chúng tôi cố gắng khống chế, khuyến cáo người dân nhưng không thể kiểm soát được”.

Ông Lịnh cũng nói hiện nay Gia Lai chưa có một nhà máy chế biến hồ tiêu tập trung nào, đầu ra cho sản phẩm lẫn các công tác hỗ trợ khuyến nông đi kèm (bảo vệ thực vật, phòng chống dịch bệnh, tìm kiếm thị trường…) chưa thật sự mạnh nên việc hồ tiêu vỡ quy hoạch đang tạo ra những nguy cơ trước mắt: được mùa rớt giá, mất mùa được giá.

Gia Lai có vùng chuyên canh hồ tiêu nổi tiếng, đã tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu hồ tiêu Chư Sê. Ở địa phương này, cây tiêu đã giúp nông dân đổi đời, nhiều hộ gia đình thu nhập tiền tỉ từ các vườn hồ tiêu. Ông Hoàng Phước Bính – đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (huyện Chư Sê) – cho biết hiện diện tích hồ tiêu của riêng Chư Sê đã lên tới gần 2.500ha.

Theo tính toán của người dân ở đây, trung bình 1ha tiêu thụ được từ 700-800 triệu đồng, trừ chi phí nắm chắc trong tay 400-500 triệu đồng. Hấp lực này khiến rất nhiều hộ nông dân tại các huyện Chư Sê, Chư Prông, Đắk Đoa, Đức Cơ… của tỉnh Gia Lai đã chặt bỏ các vườn cây khác chuyển qua trồng hồ tiêu.

Tuy nhiên, cũng có nhiều hộ dân nếm trái đắng từ việc chuyển qua trồng loại cây này. Ông Lê Đình Hân, nông dân ở thôn 5, xã Ia Pal, huyện Chư Sê, cho biết trước đây trồng 900 trụ tiêu, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. Đến năm 2009, gia đình tăng thêm gần 1,5ha trồng hồ tiêu. Nhưng rồi “quả đắng” hồ tiêu bắt đầu ập đến. “Gần 900 trụ tiêu của tôi đã bị nhiễm bệnh chết, bao nhiêu tiền của, công sức ra đi” – ông Hân nói.

Thống kê của Sở NN&PTNT Gia Lai cho thấy năm 2012 và 2013 toàn tỉnh có gần 500ha tiêu bị chết do nhiễm bệnh nấm, chỉ riêng năm 2014 diện tích tiêu chết đã lên trên 600ha và đang có xu hướng tăng.

Theo Tuổi Trẻ

Đăk Lăk: Triển vọng từ các mô hình trồng tiêu bền vững

Sự phát triển ồ ạt của cây tiêu trong những năm qua không chỉ phá vỡ quy hoạch của Tỉnh mà còn dễ dẫn đến tình trạng cây tiêu bị dịch bệnh chết hàng loạt, gây thiệt hại đến kinh tế người dân. Chính vì vậy, việc triển khai thực hiện các mô hình sản xuất tiêu bền vững đang là một trong những giải pháp hiệu quả nâng cao giá trị cây tiêu cần được nhân rộng.


Vườn tiêu ở xã Ea Bhôk (Cư Kuin) cho năng suất cao và ổn định nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo hướng bền vững.

Những năm gần đây, do giá tiêu hạt trên thị trường luôn ở mức cao nên nhiều hộ nông dân đổ xô trồng tiêu, khiến diện tích loại cây này trong Tỉnh không ngừng tăng nhanh. Nếu như năm 2005 toàn Tỉnh mới chỉ có 3.567 ha tiêu thì đến nay đã tăng lên 11.000 ha (vượt trên 6.000 ha so với quy hoạch), sản lượng đạt gần 20.000 tấn/vụ. Mặc dù là loại cây trồng có khả năng thích ứng với nhiều vùng đất và nhu cầu nước tưới ít hơn cà phê, vụ thu hoạch hoàn toàn trong mùa khô, nhưng do yêu cầu kỹ thuật chăm sóc đối với cây tiêu khá cao, vốn đầu tư lớn, nên việc mở rộng diện tích tiêu không theo quy hoạch và chăm sóc không hợp lý rất dễ khiến cây tiêu bị nhiễm bệnh chết.

Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đăk Lăk cho biết, từ việc phát triển ồ ạt cây tiêu đã và đang kéo theo nhiều hệ lụy: Người dân phá bỏ nhiều diện tích cây trồng khác như cà phê, điều, cao su, cây ăn quả… để trồng tiêu. Thêm vào đó, khi chuyển sang trồng tiêu, người dân thường thiếu chú trọng khâu cải tạo đất, xử lý mầm bệnh. Phần lớn diện tích tiêu trong Tỉnh đều được trồng chủ yếu trên trụ chết, chưa chú trọng đến cây che bóng cho tiêu. Phân hóa học được bón với liều lượng cao, mất cân đối, lại ít quan tâm đến phân hữu cơ và chế phẩm sinh học cho cây tiêu, chính vì vậy tình hình sâu, bệnh hại trên cây tiêu phát triển mạnh, chưa có biện pháp hữu hiệu để khắc phục. Qua theo dõi của Chi cục BVTV, tính từ năm 2008 đến nay, tổng diện tích tiêu bị bệnh héo chết nhanh và vàng lá chết chậm là gần 680 ha với tỷ lệ hại từ 5-20%, diện tích bị nhiễm tuyến trùng là 580 ha.

Để cải thiện tính bền vững trong quá trình sản xuất cây tiêu, năm 2011 Viện KHKT Nông – Lâm nghiệp Tây Nguyên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Tỉnh tiến hành khảo sát xây dựng mô hình trình diễn trồng tiêu theo hướng bền vững tại phường Tân Bình (thị xã Buôn Hồ) và xã Ea Bhôk (huyện Cư Kuin) trên diện tích 5,3 ha, gồm 20 hộ tham gia mô hình trồng tiêu trên trụ cây sống. Kết quả cho thấy, năng suất tiêu từ các mô hình này cao hơn sản xuất đại trà từ 20,2 – 25,0 % (so sánh tại các vùng xây dựng mô hình). Tiếp tục đến năm 2012, Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH), Công ty thu mua Euroma phối hợp với Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 (Simexco Dak Lak) đã hỗ trợ triển khai thực hiện Dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững”. Dự án được triển khai tại xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar), xã Ea Tân (huyện Krông Năng), phường Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ) với sự tham gia của 500 hộ dân, diện tích tiêu được chứng nhận là 411 ha, sản lượng 777 tấn, sản lượng thu mua 336 tấn (theo chứng nhận Rainforest Alliance)… Từ việc triển khai thực hiện các mô hình sản xuất tiêu bền vững, nhiều hội, đoàn thể và đơn vị chức năng địa phương trong Tỉnh đã có cơ sở để tổ chức cho hội viên tham quan các vườn tiêu hiệu quả trên địa bàn; đồng thời mở các lớp tập huấn hướng dẫn về kỹ thuật trồng tiêu hiệu quả theo hướng bền vững để bà con nông dân áp dụng. Từ đó những kinh nghiệm, kiến thức, kỹ thuật để chăm sóc cây tiêu đạt chất lượng cao đã được nhiều nông dân chia sẻ với nhau và mô hình này ngày càng nhân rộng.

Vườn tiêu của gia đình ông Trần Văn Tam ở xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar được áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo hướng bền vững (theo Dự án Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững) từ hơn 2 năm nay. So với các vườn tiêu trồng theo phương thức truyền thống thì vườn tiêu gia đình ông có nhiều khác biệt như ít bị sâu bệnh, lá tiêu dày và xanh hơn, đặc biệt là đã hạn chế được dịch bệnh chết nhanh, chết chậm. Ông Tam cho biết, quy trình chăm sóc vườn tiêu bằng phương pháp sinh học khá đơn giản, chỉ sử dụng toàn phân xanh, phân chuồng ủ hoai, phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây khi mới trồng. Khi tiêu cho trái thì bón thêm một ít phân vô cơ để hỗ trợ cây nuôi trái. Nhờ vậy với 1 ha tiêu kinh doanh, gia đình ông thu hoạch trung bình khoảng 6 tấn tiêu hạt, thu lãi trên 900 triệu đồng/năm, cao hơn các hộ trồng đại trà khác trong xã từ 1 – 2 tấn/ha.

Ông Huỳnh Quốc Thích cho hay: Đối với việc thực hiện các mô hình sản xuất tiêu bền vững thì nông dân được hỗ trợ tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác tiêu bền vững, phương pháp thu hoạch, phơi sấy, bảo quản hồ tiêu và an toàn vệ sinh lao động. Đồng thời, được cấp phát và hướng dẫn sổ ghi chép nhật ký nông hộ, giúp nông dân chủ động hơn trong các khâu kỹ thuật, biết hạch toán chi phí trong sản xuất; được hỗ trợ mua tủ đựng thuốc BVTV, kinh phí đào hố để thu gom rác, nhất là bao bì thuốc BVTV nhằm bảo vệ môi trường, sức khỏe người lao động. Nhờ vậy, từ chỗ sản xuất tiêu theo kinh nghiệm là chính, nông dân đã biết hạn chế sử dụng phân bón hóa học, chú trọng dùng phân hữu cơ vi sinh, tạo hệ thống thoát nước, trồng cây che bóng, chắn gió và sử dụng các loại thuốc BVTV trong danh mục được khuyến cáo để phòng bệnh cho tiêu định kỳ nên vườn cây phát triển tốt, tăng năng suất. Không chỉ được chuyển giao kỹ thuật sản xuất tiêu bền vững, các hộ tham gia mô hình còn được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 2 – 4%. Đây cũng được xem là một trong những mô hình điểm thực hiện mối liên kết “4 nhà“ tạo ra vùng sản xuất nguyên liệu chất lượng cao, bền vững gắn với doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ ổn định.

Nguồn Lê Thành (DakLak Online)

Hồ tiêu gia nhập CLB 1 tỷ USD: Phải sửa lại quy hoạch?

Hồ tiêu gia nhập CLB 1 tỷ USD: Phải sửa lại quy hoạch?

Trong khi nhiều mặt hàng nông sản khác đang gặp nhiều khó khăn khi XK ra thị trường thế giới, hợp đồng thu mua bị suy giảm, bị bạn hàng ép giá… thì hồ tiêu vẫn tăng trưởng mạnh, vững bước tiến sâu vào thị trường thế giới. Lần đầu tiên sau bao năm XK, lần đầu tiên tiêu đạt trên 1 tỷ USD.

Nhiều khả năng cán đích trước 6 năm

Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng tiêu XK trong tháng 8 ước đạt 9.000 tấn, thu về 85 triệu USD, đưa khối lượng XK tiêu 8 tháng đầu năm lên 134.000 tấn, đạt kim ngạch 996 triệu USD, tăng 30% về khối lượng và tăng 47% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Bước sang tháng 9, tiếp tục duy trì phong độ ổn định cả về giá cả, lượng XK, hồ tiêu ghi dấu ấn kỷ lục.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu tháng 9, các DN trong nước đã XK được 3.556 tấn hạt tiêu, đạt giá trị 34,081 triệu USD, nâng kim ngạch XK tiêu của cả nước từ đầu năm đến nay lên trên 137.000 tấn, đạt giá trị 1,022 tỷ USD. Như vậy so với cả năm 2013, lượng tiêu XK tính đến giữa tháng 9 đã nhiều hơn gần 4.000 tấn, XK cao hơn 100 triệu USD.

Thu nhập từ 1 ha trồng tiêu hiện cao gấp 5-6 lần cà phê, gấp 12 lần trồng chè
Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) dự báo, từ nay đến cuối năm, nguồn cung hồ tiêu cho thế giới sẽ thiếu hụt, không đáp ứng đủ nhu cầu vì các nước XK tiêu lớn như Ấn Độ, Indonesia giảm sản lượng 15-20%. Một lần nữa, đây sẽ là cơ hội cho ngành hồ tiêu Việt Nam tăng tốc XK.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) dự báo, XK tiêu năm nay có thể sẽ tăng mạnh so với năm ngoái. Có khả năng năm 2014, XK tiêu sẽ đạt 1,3 tỷ USD - đây là con số tương đương với mục tiêu XK hồ tiêu của năm 2020 do Bộ NN&PTNT vừa đặt ra khi Quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được phê duyệt.

Theo đó, mục tiêu phấn đấu của ngành là đến năm 2020, tầm nhìn 2030 diện tích trồng hồ tiêu cả nước duy trì ổn định ở mức 50.000 ha, năng suất đạt 30 tạ/ha, sản lượng đạt 140.000 tấn và sản phẩm tiêu chất lượng cao đạt 90%, kim ngạch XK đạt 1,2-1,3 tỷ USD. Như vậy, nếu cuối năm ngành tiêu cán đích 1,3 tỷ USD cũng đồng nghĩa với việc cán đích sớm tới 6 năm. Nếu vậy, có lẽ Quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu mới được phê duyệt, sẽ cần phải được chỉnh sửa lại cho theo kịp với thực tế.

Hiện tại, tiêu của Việt Nam đã có mặt tại hơn_90_quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam chiếm khoảng 30% sản lượng tiêu trên toàn thế giới và chiếm khoảng 50% khối lượng tiêu XK trên thế giới. Dù là nước gia nhập Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) muộn nhất (tháng 3/2005 mới được Liên Hiệp Quốc phê chuẩn là thành viên chính thức của Cộng đồng) nhưng vai trò và vị trí ngành hồ tiêu Việt Nam từng bước được nâng cao khi các nước bắt đầu lấy giá bán của Việt Nam để tham khảo.

Gần đây, nhiều thị trường XK tiêu của Việt Nam đạt mức tăng trưởng mạnh như Hoa Kỳ tăng 25,7% về khối lượng và tăng 35,19% về giá trị; Singapore tăng 80,74% về khối lượng và tăng gấp 2,27 lần về giá trị; Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất tăng 63,24% về khối lượng và tăng 93,63% về giá trị; Thị trường Ấn Độ tăng 85,68% về khối lượng và tăng gấp hơn 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Điều phối nhịp nhàng, hài hòa lợi ích

Ngành hàng hồ tiêu đạt được nhiều thành công, giữ vị trí đứng đầu thế giới về lượng hồ tiêu XK và từ năm 2001 và duy trì cho đến hiện nay là do chúng ta có năng suất tiêu bình quân đạt hơn 2 tấn/ha, thuộc nhóm có năng suất cao trên thế giới.

Ưu thế thứ hai là sự ổn định về chất lượng và sản lượng. Mặc dù một số nước sản xuất tiêu đã giảm lượng sản xuất do giá cả thấp trong vài năm gần đây, Việt Nam vẫn duy trì được diện tích và sản lượng. Đồng thời, chất lượng hạt tiêu ngày càng cao nhờ quan tâm và đầu tư nhiều hơn đến chế biến sau thu hoạch.

Thế mạnh thứ ba là khả năng giảm thiểu XK thông qua các nhà buôn trung gian, mà tăng cường XK trực tiếp cho những nhà cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gia vị ở các nước. Bên cạnh đó, sự khác biệt về thời điểm thu hoạch với những vùng canh tác chính trên thế giới cũng tạo lợi thế trong điều tiết thu mua, tiêu thụ cho hồ tiêu Việt Nam.

Trong khi Ấn Độ và Srilanka thu hoạch sớm từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, Brazil và Indonesia thu hoạch muộn hơn từ tháng 7 đến tháng 11. Việt Nam lại thường thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 5 trong đó lượng thu hoạch tập trung chủ yếu trong tháng 2 và tháng 3.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA, khuyến cáo trong tình hình giảm cung và giá phục hồi như hiện nay, ngành hồ tiêu Việt Nam nên tập trung để phát triển bền vững. Trước hết cần kiểm soát ổn định diện tích và sản lượng hồ tiêu trong nước.

Với tín hiệu phục hồi giá, nông dân có thể tái đầu tư mạnh vào diện tích hiện có hoặc trồng mới thêm. Trong trung hạn, có thể gây ra vấn đề dư cung như thời gian trước đây dẫn đến sự trì trệ của cả ngành hàng trong tương lai. Diện tích trồng được khuyến cáo duy trì ở mức như hiện nay, trên dưới 50.000 ha.

Cần tiếp tục nâng cao trình độ công nghệ chế biến để đạt chất lượng hạt tiêu đảm bảo ATTP. Nâng dần tỷ trọng tiêu trắng trong cơ cấu tiêu xuất khẩu để nâng cao giá trị và lợi nhuận của ngành hàng.

Không khuyến thích thâm canh tăng năng suất, mà duy trì ổn định năng suất như hiện nay, tăng tuổi thọ vườn tiêu bằng các biện pháp canh tác và phòng trừ dịch bệnh tổng hợp.

Cần có những hoạt động nhằm điều phối, thống nhất việc XK tiêu giữa các DN để đạt được lợi ích chung cao nhất dựa trên các dự báo, thông tin thị trường chính xác. Các DN cần liên kết với hệ thống ngân hàng để có đủ vốn thu mua và dự trữ nguyên liệu ngay từ đầu vụ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của toàn ngành.

Theo Thời báo Kinh doanh